Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn, thành phố yêu cầu hoạt động thanh tra phải thực hiện đúng thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trình tự, thủ tục pháp luật quy định, bảo đảm nội dung thanh tra có trọng tâm, trọng điểm, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước của các cấp, ngành và phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, của thành phố.

Thành phố tăng cường thanh tra công tác quản lý nhà nước và thanh tra trách nhiệm của người đứng đầu, của cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ, công vụ được giao, tập trung vào các ngành, lĩnh vực, địa phương có nhiều dấu hiệu vi phạm, tham nhũng, tiêu cực hoặc phát sinh nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo, dư luận xã hội quan tâm.

Theo Kế hoạch Thanh tra năm 2025, Thanh tra thành phố sẽ tập trung thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật và nhiệm vụ, quyền hạn của sở, ngành. Cụ thể sẽ thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, trong đó tập trung giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến nhân sự đại hội đảng các cấp; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Giám đốc Sở và Thủ trưởng các ngành.

Thanh tra thành phố chú trọng thực hiện chính sách, pháp luật và nhiệm vụ, quyền hạn của UBND các quận, huyện, thị xã, tập trung thanh tra các dự án đầu tư xây dựng; quản lý, sử dụng đất đai, nhất là đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường; quản lý và khai thác tài nguyên, khoáng sản; trật tự xây dựng; phòng cháy, chữa cháy; đầu tư công, việc mua bán, chuyển nhượng, mua sắm tài sản công.

Lực lượng chức năng thanh tra chuyên đề diện rộng việc chấp hành chính sách, pháp luật trong đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi, đê điều; thanh tra việc quản lý, sử dụng quỹ nhà tái định cư hiện có nhưng chưa bố trí tái định cư; việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với trường hợp đủ điều kiện nhưng chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;...

Đáng chú ý, theo Danh mục các cuộc thanh tra của Thanh tra thành phố, trong quý II/2025, Thanh tra thành phố sẽ thanh tra việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với trường hợp đủ điều kiện tính đến ngày 1/7/2014 nhưng chưa được cấp "sổ đỏ" trên địa bàn huyện Thanh Trì đối với Chủ tịch UBND huyện.

Tại địa bàn quận Cầu Giấy, Thanh tra thành phố sẽ thanh tra trách nhiệm của Chủ tịch UBND quận trong việc tiếp nhận, quản lý và cấp "sổ đỏ" do các cơ quan, đơn vị trước đây cấp cho cán bộ, công chức, người lao động. Đối tượng thanh tra là Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy.

Cũng trong quý II/2025, Thanh tra thành phố tiến hành thanh tra việc quản lý, sử dụng quỹ nhà tái định cư hiện có nhưng chưa bố trí tái định cư. Đối tượng thanh tra là Giám đốc Sở Xây dựng và các đơn vị có liên quan.

Giai đoạn 2016-2020, trên địa bàn Hà Nội có 40 dự án phát triển nhà ở phục vụ tái định cư, tương đương 21.422 căn hộ. Trong đó, đã hoàn thành 19 dự án với 4.684 căn hộ; 21 dự án đang triển khai, khi hoàn thành có khoảng 13.870 căn hộ. So với kế hoạch được duyệt, thành phố dự kiến hoàn thành vượt mục tiêu khoảng 2.163 căn hộ.

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, trước khi giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án thì quỹ nhà tái định cư phải hoàn thành, trên cơ sở đó chủ đầu tư lập dự thảo phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và công bố cho các hộ dân biết. Tuy nhiên, có một thực tế là vẫn có nhiều tòa tái định cư bị bỏ hoang hoặc ít người về ở.

Theo ghi nhận, quận Hoàng Mai là địa bàn có nhiều tòa nhà tái định cư nhưng hiện một số tòa nhà có rất ít người về ở hoặc không có người ở; một số tòa nhà đang trong tình trạng hoang phế, xuống cấp nghiêm trọng, cỏ dại mọc um tùm. Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở nhiều quận, huyện như: Đống Đa, Bắc Từ Liêm, Hai Bà Trưng, Long Biên, Cầu Giấy... Thậm chí, nhiều dự án nằm ở vị trí "đất vàng" đã được hoàn thiện từ nhiều năm qua nhưng đều không có người ở.