Trong năm 2025, rắc rối liên tục tìm đến CEO Tim Cook của Apple. Vào ngày 23/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump yêu cầu “Táo khuyết” sản xuất iPhones tại Mỹ, nếu không công ty này sẽ phải chịu mức thuế 25%.
Bị chủ nhân Nhà Trắng cho vào tầm ngắm đã đủ tồi tệ, nhưng CEO Apple còn bị bủa vây bởi rất nhiều thách thức khác.
Tim Cook đang phải đương đầu với hai thẩm phán của Mỹ, các nhà quản lý châu Âu và nhiều nước khác trên thế giới, các nhà lập pháp cấp tiểu bang và liên bang và thậm chí cả một trong những huyền thoại thiết kế cũ của Apple. Đó là còn chưa kể đến các các đối thủ đang bỏ xa Apple trong lĩnh vực công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI).
Các thách thức trên đe dọa sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến biên lợi nhuận khổng lồ của Apple - một trong những thế mạnh lâu năm giúp công ty đạt được vốn hóa trên 3.000 tỷ USD.
Giá cổ phiếu Apple đã giảm 25% kể từ đỉnh, cho thấy mối lo ngại của cổ đông về những rắc rối công ty phải đối mặt trong năm 2025 và khả năng xoay xở của vị CEO.
Cho đến lúc này, Apple vẫn đang thể hiện sự kiên nhẫn - và chiến lược này thường giúp công ty vượt qua được sóng gió trong quá khứ.
Vô vàn rắc rối...
Tuần vừa qua, Jony Ive - nhà thiết kế huyền thoại tạo nên kiểu dáng của iPhone và nhiều thiết bị Apple khác - đã gia nhập OpenAI để phát triển một thiết bị thế hệ mới mang tính cách mạng.
Sau khi Ive công bố thỏa thuận bán lại startup của mình cho OpenAI với giá 6,5 tỷ USD, Wall Street Journal (WSJ) đưa tin rằng mục tiêu chính của ông là tạo ra một thiết bị Ai sẽ có thể thay đổi mô hình điện toán hiện tại đang thúc đẩy người tiêu dùng nhìn vào màn hình điện thoại cả ngày.
Sau đó, OpenAI nói với các nhân viên rằng công ty nhắm đến việc sản xuất 100 triệu thiết bị “đồng hành” với con người dựa trên công nghệ AI.
OpenAI chưa bao giờ sản xuất thiết bị phần cứng nào. Nhưng Apple thấy rõ mối nguy hiểm từ dự án này. Eddy Cue, Phó Giám đốc cấp cao phụ trách mảng dịch vụ của Apple, phát biểu trước một tòa án trong tháng này: “Điều này nghe có thể thật điên rồ, nhưng có thể trong 10 năm tới người dùng sẽ không còn cần iPhone nữa”.
Hội nghị các nhà phát triển thường niên của Apple sẽ diễn ra trong vài tuần tới, nhưng không ai trông đợi công ty sẽ công bố bước đột phá nào về AI.
Trong buổi họp báo công bố kết quả kinh doanh gần đây, Tim Cook đã nói rằng Apple chưa thể cho ra mắt phiên bản Siri được cá nhân hóa nhiều hơn bởi công nghệ mà đội ngũ kỹ sư phát triển chưa đáp ứng được “tiêu chuẩn chất lượng cao” của công ty.
Có lẽ Apple không cần phải là công ty đi đầu về AI. Apple không phải công ty đầu tiên sản xuất máy nghe nhạc, smartphone hay máy tính bảng. Apple đã kiên nhẫn chờ đợi và sau đó thống trị từng thị trường bằng sản phẩm tốt nhất.
Song, câu hỏi đặt ra là liệu chiến lược thành công đối với thiết bị phần cứng có phải giải pháp đúng đắn trong lĩnh vực AI hay không.
Apple kiếm được hàng tỷ USD doanh thu từ việc kinh doanh dịch vụ, mảng này có biên lợi nhuận gộp trên 70%. Để so sánh, con số này đối với các thiết bị là dưới 40%.
Ngoài ra, một thẩm phán Mỹ gần đây viết trong phán quyết rằng Apple đã phớt lờ lệnh của bà là cho phép các nhà phát triển phần mềm cung cấp cho người dùng lựa chọn thanh toán khác ngoài App Store. Bà nhận xét Tim Cook đã lựa chọn sai lầm khi nghe theo lời khuyên mặc kệ lệnh của bà.
Các nhà quản lý của Liên minh châu Âu (EU) muốn Apple thực hiện những thay đổi tương tự ở khu vực này. Các nước khác có thể sẽ sớm làm theo EU.
Quay trở lại Mỹ, các nhà lập pháp tiểu bang và liên bang đang đe dọa App Store với những dự luật yêu cầu Apple xác minh độ tuổi người dùng. Động thái này có thể làm giảm chi tiêu của thanh thiếu niên hoặc khuyến khích các phụ huynh hạn chế con cái sử dụng smartphone.
Trong khi đó, vị thẩm phán xét xử vụ kiện chống độc quyền chống lại Google có thể yêu cầu gã khổng lồ tìm kiếm ngừng trả cho Apple khoảng 20 tỷ USD mỗi năm để trở thành công cụ tìm kiếm mặc định trên Safari.
… Không bằng một mối nguy ở Trung Quốc
Tuy nhiên, tất cả những vấn đề trên đều có vẻ nhỏ nhặt khi so sánh với mối đe dọa tới thành công lớn nhất của Tim Cook, đó là chuỗi cung ứng của Apple ở Trung Quốc.
Bất chấp những yêu cầu của ông Trump, Apple rất khó có thể chuyển hoạt động sản xuất iPhone - vốn đang tập trung ở Trung Quốc - về Mỹ. Tuy Apple đang chuyển dây chuyền lắp ráp cuối cùng của iPhone sang Ấn Độ, đa số các linh kiện trong thiết bị này vẫn được sản xuất ở Trung Quốc.
Ông Trump muốn những chiếc iPhone sản xuất tại Trung Quốc. Nhưng ông khó có thể được toại nguyện, bởi mỗi thiết bị như vậy nhiều khả năng sẽ có giá hơn 3.000 USD.
Tim Cook có thể cố gắng xoa dịu ông Trump bằng cách chuyển hoạt động sản xuất thiết bị hoặc linh kiện khác về Mỹ. Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Scott Bessent có thể đã cho Apple một gợi ý. Vào ngày 23/5, ông nói rằng Nhà Trắng muốn Apple sản xuất thêm chip ở Mỹ.
Apple đã công bố kế hoạch tạo điều kiện sản xuất máy chủ AI ở Texas, nhưng ông Trump rõ ràng muốn công ty này làm nhiều hơn thế.