Chính sách khác thường
Năm mới đến đem theo những quy định mới cho nước Nga. Từ năm 2025, hàng chục chính quyền địa phương sẽ phát tiền cho các nữ sinh đại học sinh ra những đứa trẻ khỏe mạnh.
Chẳng hạn, tại vùng Karelia, các nhà lập pháp đã ban hành luật vào năm ngoái để bắt đầu phát khoản tiền 100.000 ruble, tương đương khoảng 910 USD theo tỷ giá hiện nay. Để được hưởng số tiền này, người mẹ phải là sinh viên toàn thời gian tại một trường đại học địa phương, ở độ tuổi dưới 25 và là cư dân của Karelia. Nhưng họ sẽ không được trả tiền nếu thai nhi chết non.
Thành phố Tomsk ở miền trung nước Nga cũng có chính sách khuyến sinh tương tự. Tổng cộng, tờ Fortune cho biết ít nhất 11 chính quyền địa phương tại Nga sẽ trả tiền để sinh viên nữ đẻ con.
Trong khi đó, chính phủ liên bang Nga cũng nâng mức trợ cấp sinh con cho các bà mẹ từ đầu năm nay. Những người lần đầu tiên làm mẹ có thể được nhận 677.000 ruble (khoảng 6.150 USD) trong năm 2025, cao hơn 7,4% so vói năm ngoái. Phụ nữ sinh con thứ hai được nhận 894.000 ruble, tăng 7,3% so với trước.
Các khoản thanh toán trên chỉ là một phần trong những nỗ lực của giới lãnh đạo Nga nhằm đảo ngược đà sụt giảm của dân số.
Tỷ suất sinh thấp dai dẳng
Theo ước tính từ Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), tỷ suất sinh của Nga - tức số con trung bình mà một phụ nữ sinh ra trong suốt cuộc đời - ở mức 1,52 vào năm 2024. Con số này thấp hơn nhiều ngưỡng cần thiết để một quốc gia duy trì dân số ổn định là 2,1.
Trên thực tế, đây không phải vấn đề mới xuất hiện tại Nga mà đã tồn tại trong hàng thập kỷ. Trong bài phát biểu nhậm chức lần đầu hồi năm 2000, Tổng thống Vladimir Putin cảnh báo Nga có thể trở thành “một quốc gia suy nhược” nếu dân số tiếp tục suy giảm.
Sau lời cảnh báo này và một số biện pháp hỗ trợ của chính phủ, tỷ suất sinh của Nga đi lên một cách khiêm tốn cho đến năm 2017. Hội đồng Đại Tây Dương cho biết xu hướng này cũng phản ánh điều kiện kinh tế được cải thiện nhờ giá dầu mỏ tăng và số phụ nữ trong độ tuổi 18 - 35 đi lên.
Những năm sau đó, tỷ suất sinh lại sụt giảm do số phụ nữ trong độ tuổi đẻ con đi xuống và người dân trở nên bi quan về tình hình tài chính. Đại dịch COVID-19 vào năm 2020 và tiếp đến là chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào năm 2022 càng làm tăng thêm tâm lý bất an của người Nga.
Tỷ suất sinh thấp không phải nguyên nhân duy nhất dẫn đến khủng hoảng dân số ở Nga. Các vụ tai nạn, chế độ ăn uống và một số lối sống không lành mạnh - bao gồm việc tiêu thụ nhiều rượu - dẫn đến tỷ lệ tử vong cao ở người trưởng thành. Vào năm 2000, đàn ông Nga ở độ tuổi 18 - 64 có tỷ lệ tử vong cao gấp 4 lần đàn ông châu Âu. Còn phụ nữ Nga có tỷ lệ tử vong tương đương với đàn ông châu Âu.
Theo tờ Fortune, ước tính cuộc chiến Nga - Ukraine đã khiến hơn 600.000 binh sĩ thương vong. Và vì cuộc chiến mà hơn một triệu người Nga đã chạy sang nước ngoài, chủ yếu là người trẻ có học thức.
Dân số Nga hiện nay vào khoảng 146 triệu người. Tới năm 2100, Liên Hợp Quốc ước tính con số này có thể tụt xuống còn 74 - 112 triệu, tương đương mức giảm 25 - 50%. Trong khoảng thời gian đó, Liên Hợp Quốc dự đoán dân số thế giới sẽ giảm khoảng 20%. Điều này cho thấy tình hình nhân khẩu học của Nga đặc biệt đáng ngại.
Không đủ tiền
Nguyên nhân chủ yếu khiến người Nga ngại sinh con là kinh tế. Gần 40% phụ nữ tham gia khảo sát của Trung tâm nghiên cứu công luận Nga (VTsIOM) cho biết họ không muốn có con vì tình hình tài chính kém. Điều này không chỉ liên quan đến việc thiếu thốn tiền bạc mà còn cả điều kiện nhà ở kém.
Số liệu mới nhất từ trang Statista cho biết số tiền tối thiểu để nuôi một đứa trẻ ở Nga trong năm 2020 là 11.216 ruble mỗi tháng, hay 134.592 ruble một năm. Do giá cả ở Nga leo thang sau cuộc chiến với Ukraine, con số thực nhiều khả năng đã tăng mạnh.
Điều đó cho thấy khoản trợ cấp tiền mặt của chính phủ liên bang Nga không đủ để khuyến khích phụ nữ sinh con. Khoản trợ cấp 100.000 ruble của chính quyền Karelia lại càng không đáng kể.
Ngoài việc phát tiền cho các hộ gia đình dựa trên số con, chính phủ Nga cũng đã thảo luận và triển khai nhiều biện pháp khuyến sinh khác. Moscow thậm chí còn đề xuất dùng quỹ công để trả chi phí khách sạn cho đêm tân hôn của các cặp mới cưới nhằm thúc đẩy số ca sinh, với giá trị lên tới 26.300 ruble.
Năm ngoái, ông Valery Seleznyov, thành viên Hạ viện Nga, còn kêu gọi trả tự do cho các nữ tù nhân để họ sinh con nhằm tăng tỷ suất sinh. Ông đề xuất họ không cần phải chấp hành nốt thời hạn của bản án nếu sinh con.
Vào năm 2022, Tổng thống Putin đã khôi phục phần thưởng “Người mẹ Anh hùng”, trao tặng cho những người phụ nữ có từ 10 con trở lên danh hiệu và số tiền thưởng 1 triệu ruble.
Cuối năm 2024, Nga còn ban hành luật mới nhằm truy tố những người cổ vũ lối sống “không có con”. Đạo luật này cấm bất kỳ cá nhân hoặc tổ chức nào cổ vũ lối sống không có con hoặc khuyến khích người khác không sinh con. Doanh nghiệp và công dân Nga bị kết tội có thể bị phạt tới 5 triệu ruble, người nước ngoài có thể bị trục xuất.
Thậm chí một chương trình truyền hình thực tế ở Nga về việc mang thai ở độ tuổi vị thành niên cũng đã thay đổi trọng tâm từ việc cảnh báo những khó khăn mà các bà mẹ trẻ gặp phải sang nhấn mạnh “vẻ đẹp của tình mẫu tử”.