Khoảng 10.600 tấn gạo ăn – loại gạo dùng trong bữa ăn, khác với gạo dùng làm thức ăn chăn nuôi hoặc nguyên liệu sản xuất thực phẩm khác – đã được các doanh nghiệp như công ty thương mại và nhà phân phối nhập khẩu, bất chấp mức thuế cao.

Dù con số này vẫn còn nhỏ so với tổng lượng tiêu thụ khoảng 7 triệu tấn mỗi năm của người Nhật, nhưng lại là bước nhảy vọt so với mức chỉ 3.004 tấn được nhập trong cả năm tài chính kết thúc vào tháng 3 vừa qua.

Giá gạo tại Nhật Bản đã tăng gấp đôi so với năm ngoái sau khi một đợt nắng nóng gay gắt làm ảnh hưởng đến vụ mùa 2023. Tình trạng này càng trầm trọng hơn bởi việc người dân tích trữ sau động đất, cùng với nhu cầu tăng mạnh từ làn sóng du lịch trở lại.

Để đối phó, từ cuối tháng 5, chính phủ Nhật Bản đã bắt đầu xả hàng dự trữ trực tiếp ra các nhà bán lẻ, cho phép người tiêu dùng mua 5 kg gạo với giá khoảng 2.000 yen (13,85 USD) – chưa bằng một nửa so với giá trung bình tại siêu thị.

Trước giá cả leo thang, ngày càng nhiều nhà hàng và người tiêu dùng Nhật chuyển sang sử dụng các thương hiệu gạo đến từ Mỹ với giá rẻ hơn.

Nhật Bản từ lâu vẫn duy trì chính sách bảo hộ chặt chẽ đối với mặt hàng lương thực cơ bản như gạo và hiếm khi phải phụ thuộc vào nhập khẩu. Tuy nhiên, gạo nhập khẩu từ khu vực tư nhân hiện đang chịu mức thuế cao tới 341 yen/kg.

Ngoài ra, theo các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), chính phủ Nhật có thể nhập khẩu 100.000 tấn gạo ăn mỗi năm mà không chịu thuế. Trong nỗ lực hạ nhiệt giá gạo, chính phủ đã quyết định tổ chức đấu thầu sớm cho lô gạo nhập khẩu miễn thuế trong tháng này – sớm hơn so với thông lệ vào tháng 9 hằng năm.