Trong phiên giao dịch đầu năm mới (2/1/2025), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phát hành tổng cộng 18.850 tỷ đồng tín phiếu. Trong đó, 12.250 tỷ đồng tín phiếu kỳ hạn 7 ngày, lãi suất 4%/năm cho 7 thành viên và 6.600 tỷ đồng tín phiếu kỳ hạn 14 ngày, lãi suất 4%/năm cho 5 thành viên. Ở chiều ngược lại, khối lượng đáo hạn trong ngày 2/1 là 15.000 tỷ đồng, do đó NHNN đã hút ròng qua kênh tín phiếu là 3.850 tỷ đồng.

Trên kênh cầm cố giấy tờ có giá (OMO) nhà điều hành bơm gần 998 tỷ đồng với kỳ hạn 7 ngày với lãi suất 4%/năm; không ghi nhận khối lượng đáo hạn trong ngày.

Như vậy, trên cả hai kênh, lượng hút ròng xấp xỉ 2.853 tỷ đồng.

Trước đó, NHNN đã bơm ròng tổng cộng gần 86.563 tỷ đồng cho hệ thống ngân hàng trong tuần (23/12 - 27/12). Động thái quay đầu bơm ròng trước đó cho thấy nhu cầu thanh khoản thị trường tăng dần vào cuối năm, đây là xu hướng thường thấy tại thời điểm này.

Ở động thái hút tiền của nhà điều hành lần này, nhiều chuyên gia cho rằng nguyên nhân là tỷ giá lại tiếp tục chịu áp lực khi lãi suất liên ngân hàng đi xuống và đồng USD mạnh lên.

Trong những ngày cuối năm 2024, lãi suất liên ngân hàng liên tục biến động, lãi suất liên ngân hàng qua đêm tại ngày 27/12/2024 ở mức 4%, sau khi giảm về mức 3,15% tại ngày 30/12 và phục hồi lên 4,04% tại ngày 31/12/2024.

Sau động thái của nhà điều hành, tỷ giá đã có xu hướng giảm. Tỷ giá trên ngân hàng thương mại và tỷ giá trung tâm phiên 3/1 đều đã giảm nhẹ so với phiên 2/1. Theo đó, tại ngày 3/1 tỷ giá trung tâm giảm 8 đồng, xuống 24.334 VND/USD so với ngày 2/1. Tỷ giá trên bán ra trên thị trường ngân hàng thương mại là 25.550 VND/USD và tỷ giá bán ra trên thị trường tự do là 25.800 VND/USD.

Trong báo cáo nhận định hằng ngày, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết để kiểm soát áp lực mất giá của tiền đồng, NHNN đã phải can thiệp bán ra khoảng 9,4 tỷ USD thông qua hai giai đoạn. Giai đoạn 1/4 - 7/2024 với quy mô khoảng 6,5 tỷ USD. Giai đoạn 2 diễn ra ít dồn dập hơn tháng 9 - 12/2024 với quy mô khoảng 2,8 tỷ USD.

Ngoài việc bán ngoại tệ để kiểm soát đà mất giá của tiền đồng, NHNN cũng tiến hành can thiệp trên thị trường mở thông qua việc kiểm soát hành lang lãi suất. Hoạt động hút ròng thường gia tăng trong những giai đoạn tỷ giá tăng cao.

Tính chung cả năm 2024, quy mô điều tiết thanh khoản trên thị trường mở của NHNN tương đối nhỏ, hút ròng khoảng 28.000 tỷ đồng, so với quy mô bơm ròng khoảng 66.000 tỷ đồng trong năm 2023, báo cáo VDSC cho hay.

Trong khi đó, lãi suất cho vay qua đêm bình quân trên thị trường liên ngân hàng trong năm 2024 là 3,4%/năm, cao hơn khoảng 1,2 điểm % so với năm 2023.

“Khi lãi suất cho vay qua đêm tiền đồng giảm mạnh về dưới mức lãi suất tái chiết khấu, NHNN thường phát hành tín phiếu để đẩy lãi suất tăng trở lại. Đây cũng là động thái nhằm kiểm soát chênh lệch lãi suất USD-VND, giảm bớt áp lực lên tỷ giá”, báo cáo VDSC cho biết.