Những yếu tố này có thể tác động đến xu hướng của thị trường và diễn biến các nhóm ngành trong thời gian tới. Đây là nhận định của Công ty cổ phần Chứng khoán Nhất Việt (VFS).

VFS đưa ra 2 kịch bản với thị trường chứng khoán trong tháng 1. Cụ thể, ở kịch bản 1, VN-Index sẽ dao động từ 1.250 - 1.300 điểm. Công ty chứng khoán này khuyến nghị nhà đầu tư có thể giao dịch ngắn hạn theo biên dao động; mua ở biên dưới và chốt lời khi giá chạm biên trên, không nên mua đuổi. Ở kịch bản 2, VN-Index vượt 1.300 điểm, VFS khuyến nghị nhà đầu tư chờ đợi những diễn biến điều chỉnh kiểm nghiệm lại vùng điểm số này để tìm điểm giải ngân.

Các chuyên gia từ Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) cho biết, tuần qua (từ 30/12/2024 - 3/1/2025), VN-Index dịch kém tích cực, đặc biệt trong 2 phiên giao dịch đầu năm 2025, khi chỉ số chịu áp lực điều chỉnh khá mạnh.

VN-Index không giữ được vùng hỗ trợ mạnh quanh 1.260 điểm, tương ứng giá trung bình 200 phiên. Kết thúc tuần giao dịch từ tuần 30/12/2024 - 3/1/2025, VN-Index giảm 1,61% về mức 1.254,59 điểm, dưới vùng giá trung bình 200 phiên và trên 1.250 điểm, tương ứng vùng giá cao nhất năm 2023.

Thanh khoản giảm trong những phiên đầu tuần và tăng mạnh trong phiên cuối tuần thể hiện áp lực điều chỉnh mạnh đột biến ở nhiều nhóm, mã cổ phiếu.

Thị trường phân hóa với sắc xanh, đỏ đan xen và cổ phiếu biến động hẹp. Áp lực điều chỉnh tập trung ở nhóm tài chính, bảo hiểm, bất động sản, trong khi đó, sắc xanh và đỏ đan xen tại nhóm dầu khí, phân bón...

SHS nhận định xu hướng ngắn hạn, VN-Index điều chỉnh, tích lũy dưới vùng kháng cự 1.265 điểm, trên vùng hỗ trợ quanh 1.250 điểm. Xu hướng trung hạn VN-Index tiếp tục duy trì trong kênh tích lũy rộng trong vùng 1.200 - 1300 điểm, với vùng giá cân bằng quanh 1.250 điểm. Kháng cự rất mạnh là vùng giá 1.300 điểm, đây là vùng đỉnh các tháng 3-7/2024 và 9-10/2024.

Theo SHS, thị trường bắt đầu năm 2025 với nhiều kỳ vọng sau khi đã có 2 năm liên tiếp 2023 và 2024 tăng trưởng với mức tăng 12,2% và 12,1%. Năm 2025, SHS dự kiến VN-Index tiếp tục có diễn biến tích lũy trong biên độ hẹp trong vùng giá 1.200 -1.300 điểm trong thời gian từ một đến hai tháng đầu năm.

Thị trường có thể khởi sắc hơn trong cuối quý I/2025 và đầu quý II/2025. VN-Index trong năm 2025 kỳ vọng sẽ tăng giá 10 - 12% so với 2024, vùng giá kỳ vọng 1.400 - 1.410 điểm.

Trong năm 2024, ngân hàng là nhóm ngành có diễn biến tích cực, tăng giá tốt với thanh khoản gia tăng mạnh. Nhiều mã nổi bật như LPB tăng 31,8%, TCB tăng 59,9%, HDB tăng 56,9%, CTG tăng 39,5%...

SHS nhìn nhận, ngành ngân hàng được xem là “huyết mạch”, động lực hỗ trợ tăng trưởng của nền kinh tế, với mức tăng trưởng tín dụng 13-15% trong những năm gần đây.

Trong năm 2025, Ngân hàng Nhà Nước cũng đặt kế hoạch tăng trưởng tín dụng 16%, bên cạnh các kế hoạch tăng vốn của các ngân hàng lớn sẽ là động lực tăng trưởng tốt cho nhóm ngân hàng. Đây vẫn là lựa chọn phân bổ đầu tư tốt trong năm 2025.

“Nhà đầu tư duy trì tỷ trọng hợp lý, xem xét chọn lọc giải ngân các mã cơ bản tốt, kỳ vọng tiếp tục duy trì tăng trưởng. Mục tiêu đầu tư hướng tới các mã cổ phiếu đầu ngành, nền tảng cơ bản tốt”, SHS cho khuyến nghị.

Theo chuyên gia từ Công ty cổ phần Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI), thị trường khép lại tuần chuyển tiếp giữa năm cũ 2024 và năm mới 2025 không mấy suôn sẻ. Dù chỉ giao dịch 4 phiên trong tuần qua nhưng chỉ số VN-Index đã đánh mất hơn 20 điểm; trong đó có 3 phiên giảm điểm và duy nhất 1 phiên kết phiên trong sắc xanh.

Điểm nhấn chính trong tuần qua là sự thiếu hụt của thanh khoản. Lực cầu yếu khiến áp lực bán gần như áp đảo hoàn toàn và như một sự dồn nén thị trường lao dốc mạnh trong phiên cuối tuần.

Trạng thái giằng co bị phá vỡ khi bên bán mất dần kiên nhẫn, các cổ phiếu vốn hóa lớn đầu ngành và loạt cổ phiếu ngân hàng gây sức ép lớn lên thị trường khiến chỉ số lao dốc mạnh.

Chỉ số VN30-Index sụt giảm hơn 26 điểm trong tuần qua, với sức ép từ các cổ phiếu lớn điểm số mất nhiều khiến các cổ phiếu vừa và nhỏ rất khó để đi ngược dòng. Đóng cửa tuần giao dịch từ 30/12/2024 - 3/1/2025, chỉ số VN-Index ở mức 1.254,59 điểm, giảm 20,55 điểm.

Sự thận trọng kéo thanh khoản tuần qua sụt giảm mạnh. Thanh khoản khớp lệnh thị trường chỉ tương đương 63,8% so với mức bình quân 20 tuần giao dịch. Lũy kế đến cuối tuần giao dịch, thanh khoản giao dịch bình quân trên sàn HOSE đạt 459 triệu cổ phiếu (giảm 22,14% so với tuần trước đó), tương đương 11,883 tỷ đồng, giảm gần 20% về giá trị giao dịch.

Có tới 20/21 nhóm ngành cổ phiếu giảm trong tuần qua. Gây áp lực lớn lên thị trường và tâm lý giao dịch trong tuần qua là các nhóm ngành như: Bảo hiểm giảm 4,12%, hàng tiêu dùng giảm 3,8%, chứng khoán giảm 3,41%, thủy sản giảm 3,09%... Ở chiều ngược lại, nhóm cổ phiếu nhựa tăng 1%, là nhóm ngành duy nhất ngược dòng thành công.

Khối ngoại bán ròng 771 tỷ đồng trên sàn HOSE. Tâm điểm bán ròng của khối ngoại trong tuần qua là cổ phiếu vốn hóa lớn như: FPT (453 tỷ đồng), VCB (158 tỷ đồng), CTG (137 tỷ đồng)...

CSI đưa ra quan điểm thị trường thị trường trong tuần tới đó là xu hướng tăng điểm có khả năng đã bị đảo ngược. Ở thời điểm hiện tại, các vị thế khuyến nghị mua của công ty chứng khoán này ở mốc hỗ trợ 1.260 điểm bắt đầu đối diện với mức độ rủi ro, nên nhà đầu tư cần thận trọng, hạn chế việc mua thêm.

Khối lượng khớp lệnh phiên cuối tuần qua dù vượt qua mức trung bình 20 phiên, nhưng chưa phải là tín hiệu báo động khi vẫn thấp hơn 2 phiên bùng nổ trước đó. Vì vậy, nhà đầu tư không cần vội vàng bán tháo sau phiên giảm điểm mạnh cuối tuần qua và chỉ căn bán dần, giảm bớt tỷ trọng ở các mã cổ phiếu vi phạm ngưỡng quản trị rủi ro khi thị trường có diễn biến xấu trong các phiên tới.

Nhịp chỉnh có thể đưa VN-Index về vùng hỗ trợ quanh mốc 1.248 điểm trong phiên tới, CSI nhận định. Thực tế cho thấy, thị trường chứng khoán Việt Nam giảm điểm trong bối cảnh thị trường chứng khoán thế giới đi xuống trong tuần qua.

Chứng khoán Mỹ trong xu hướng giảm

Tuần qua, chỉ số S&P 500 giảm 0,48%, chỉ số Nasdaq Composite giảm 0,51% và chỉ số Dow Jones giảm 0,6%.

Xét riêng phiên cuối tuần (3/1), chỉ số Dow Jones tăng 0,8% lên 42.732,13 điểm; chỉ số S&P 500 tăng 1,26% lên 5.942,47 điểm; chỉ số Nasdaq Composite tăng 1,77% lên 19.621,68 điểm.

Phiên này, chỉ số USD, đo lường giá trị của đồng bạc xanh so với rổ tiền tệ, giảm 0,29% xuống 108,9. Tuy nhiên, khi tính chung cả tuần, đồng bạc xanh tăng tuần thứ năm liên tiếp, sau khi đạt mức cao nhất trong hai năm là 109,54 trong phiên trước đó.

Đồng USD tăng giá vào cuối năm 2024 khi các nhà đầu tư cho rằng các chính sách của Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ thúc đẩy tăng trưởng và lạm phát, khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất ít hơn và lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ sẽ tăng, trong khi các ngân hàng trung ương ở châu Âu dự kiến sẽ tiếp tục hạ lãi suất.

Tuyên bố chính sách tại cuộc họp vào tháng 12/2024 của Fed khiến các nhà đầu tư điều chỉnh giảm dự báo về số lần cũng như quy mô cắt giảm lãi suất của Fed vào năm 2025.

Chủ tịch Fed tại Richmond, Tom Barkin cho rằng lãi suất chính sách cần đứng ở mức cao cho đến khi chắc chắn hơn rằng lạm phát đang quay trở lại mục tiêu 2% của Fed.

Trước đó, trong phiên giao dịch đầu tiên của Năm mới (2/1), chứng khoán Mỹ tiếp tục xu hướng giảm từ cuối năm 2024, với chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite ghi nhận phiên giảm thứ năm liên tiếp, đợt mất điểm dài nhất kể từ tháng 4/2024.