Vị tỷ phú quá cố Charlie Munger từng nói rằng, để trở thành một nhà đầu tư giỏi, bạn cần phải đi câu ở nơi có cá. Tuy nhiên, để trở thành một nhà đầu tư vĩ đại, bạn phải quăng mồi câu ở nơi tàu thuyền không thể tới.
Đó là một nội dung gây chú ý trong cuốn sách mới về phương pháp và tư duy của một nhà đầu tư lừng lẫy thế giới khi ông vừa bắt đầu sự nghiệp. Nhân vật trong cuốn sách không ai khác mà chính là Warren Buffett, người cộng sự lâu năm của Munger.
Và cuốn sách được nhắc đến có tựa đề “Buffett’s Early Investments” (tạm dịch: Những khoản đầu tư ban đầu của Buffett) do nhà phân tích Brett Gardner biên soạn và xuất bản gần đây.
Trong cuốn sách, ông Gardner đã tập trung phân tích 10 công ty mà huyền thoại Warren Buffett đã rót vốn vào trong giai đoạn năm 1950 - 1966, khi ông đang ở độ tuổi 20 và 30.
Liệu các nhà đầu tư ngày nay có thể đạt được những thành tựu như Buffett năm xưa hay không?
Theo một số khía cạnh thì thành công bây giờ còn nằm gần tầm với của các nhà đầu tư hơn, bởi lẽ thông tin có sẵn khắp mọi nơi, giao dịch gần như miễn phí và cá nhân thường có một số lợi thế đáng kể so với các tổ chức.
Tuy nhiên, xét từ những khía cạnh khác thì đầu tư ngày nay cũng khó khăn hơn trước rất nhiều khi thị trường không ngừng tăng giá, những thương vụ hời trở nên khan hiếm và mọi người đều muốn câu ở cùng một địa điểm.
Để thành công như Warren Buffett, nhà đầu tư cần phải suy nghĩ khác biệt so với hầu hết những người khác. Ngoài ra, nhà đầu tư cũng cần phải rất kiên nhẫn và có lòng can đảm.
Buffett đã từ chối bình luận chi tiết về những bài học trong cuốn sách khi Wall Street Journal liên hệ. Song, ông cho biết: “Tôi sẽ trả lời bất kỳ câu hỏi nào về anh Gardner tại cuộc họp cổ đông thường niên năm 2025 của Berkshire Hathaway”.
Những bài học rút ra
Ông Gardner - nhà phân tích tại hãng tư vấn Discerene Group - đã phân tích từng cái tên trong số 10 khoản đầu tư ban đầu của Buffett bằng chính những thông tin tài chính mà "nhà hiền triết xứ Omaha" có trước khi ông mua chúng.
Vị chuyên gia đã dành nhiều ngày thứ Bảy trong suốt 7 năm, sau đó làm việc toàn thời gian vào năm 2023 để tìm kiếm những báo cáo thường niên từ nhiều thập kỷ trước, cũng như nghiên cứu của các nhà phân tích, sổ tay dữ liệu tài chính do Moody’s cung cấp và những nguồn tin khác.
10 khoản đầu tư của Buffett thời trẻ bao gồm Marshall-Wells; Greif Bros. Cooperage; Cleveland Worsted Mills; Union Street Railway; Philadelphia and Reading Coal and Iron; British Columbia Power; American Express; Studebaker; Hochschild, Kohn & Co.; và Walt Disney.
Hầu hết những cái tên nói trên đều xa lạ với các nhà đầu tư ngày nay nhưng ngay cả vào thời điểm đó, chúng cũng chẳng phải những công ty có tiếng.
Ông Gardner viết về Marshall-Wells như sau: “Bất kỳ ai phân tích cổ phiếu này đều có thể nhận ra nó rẻ”. Tuy nhiên, không nhiều người phân tích công ty bán buôn phần mềm có có trụ sở tại Duluth, Minnesota.
Greif Bros., nhà sản xuất thùng chứa và container, lại giao dịch không thường xuyên trên sàn chứng khoán Trung Tây.
Song, Buffett đã bỏ qua những cái tên nổi tiếng để phân tích và mua gom các cổ phiếu đó. Nhiều thập kỷ trước khi nổi danh, ông đã đến thăm trụ sở các doanh nghiệp để đặt nhiều câu hỏi cho các nhà quản lý.
Không chỉ trò chuyện cùng các giám đốc doanh nghiệp, Buffett còn đọc mọi thông tin công khai về cái tên mà ông đang nhắm đến.
Có thể nói, sự kiên nhẫn chính là chìa khoá. Nhà đầu tư huyền thoại từng đến một cơ sở của Greif Bros. và dành hàng giờ để tìm hiểu về thùng chứa từ một nhân viên công ty.
Năm 1964, American Express vướng vào một vụ bê bối liên quan đến việc một chi nhánh tham gia vào hoạt động trữ dầu thực vật.
Buffett cùng một cộng sự đã ghé thăm vô số nhà hàng, khách sạn và nhà bán lẻ để xác thực liệu nhu cầu dành cho séc và thẻ tín dụng của American Express có bị ảnh hưởng hay không.
Cổ phiếu của Union Street Railway rất ít khi được mua vào bán ra. Buffett phải chạy quảng cáo trên một tờ báo địa phương ở New Bedford, Massachusetts để chào mời các cổ đông bán cổ phiếu cho ông. Phải mất hai năm Buffett mới gom được lượng lớn cổ phiếu.
Một yếu tố quan trọng khác trong thành công ban đầu của Buffett là tham vọng đặt cược lớn. Như ông Gardner viết, “Những ý tưởng đầu tư lớn rất hiếm, vậy nên Buffett đã nắm bắt mọi cơ hội khi ông phát hiện ra món hời”.
Chẳng hạn như vào năm 1950, “nhà hiền triết xứ Omaha” đã đầu tư 25% tài sản ròng của ông vào Marshall-Wells. Đến năm 1951, Buffett đổ hơn một nửa tài sản vào công ty bảo hiểm Geico.
Tất nhiên, việc khối tài sản phình to từ con số 500.000 USD vào năm 1957 lên 68 triệu USD một thập kỷ sau đó đã giúp ích rất nhiều cho Buffett. Có nhiều tiền hơn, Buffett có thể dễ dàng triển khai “hoả lực” khi ông muốn.
Ngày nay, việc làm rung chuyển doanh nghiệp bằng cách mua lượng lớn cổ phiếu và tác động đến hội đồng quản trị là điều mà hầu hết các nhà đầu tư cá nhân không thể làm được.