Theo Vnexpress, trưa 3/1, lực lượng công an xuất hiện tại trụ sở Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Minh Đức và nhà riêng của bà Chu Thị Thành trên đường Ngô Đức Kế, tỉnh Nghệ An. Nhà chức trách chưa công bố nội dung làm việc.
Bà Thành (65 tuổi) là Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Thiên Minh Đức. Bà cũng là mẹ của “đại gia kim cương” Chu Đăng Khoa và chủ sở hữu của hàng loạt công ty con khác trong hệ sinh thái.
Những bê bối nghìn tỷ
Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ (công bố ngày 4/1/2024), Tập đoàn Thiên Minh Đức thường xuyên kê khai thuế bảo vệ môi trường (BVMT) lần đầu và hàng tháng sai, thiếu thuế bảo vệ môi trường; không kê khai thuế và kê khai không trung thực số tiền thuế môi trường phải nộp.
Điều này dẫn đến, từ năm 2018 đến hết năm 2021, tổng số tiền thuế BVMT kê khai lần đầu và tổng số tiền thuế BVMT kê khai lại tăng thêm là 3.287 tỷ đồng.
Cũng theo cơ quan này, giai đoạn 2017-2022, tập đoàn cho Phó Tổng giám đốc Chu Đăng Khoa và Chủ tịch HĐQT Chu Thị Thành mượn tổng số tiền hơn 7.485 tỷ đồng. Hai cá nhân nêu trên vẫn còn nợ 1.396 tỷ đồng vào thời điểm thanh tra.
Đến tháng 7/2023, Cục thuế tỉnh Nghệ An ra thông báo cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn đối với Thiên Minh Đức. Công ty bị cưỡng chế vì không chấp hành nộp tiền thuế nợ, tiền phạt và tiền chậm nộp với số tiền hơn 728,5 tỷ đồng.
Tháng 12/2023, cơ quan thuế gửi thông báo đến Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) về việc đề nghị tạm hoãn xuất cảnh đối với bà Thành do công ty đang bị cưỡng chế thuế và chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.
Đến tháng 4/2024, Cục Thuế tỉnh Nghệ An tiếp tục có thông báo về công khai danh sách người nợ thuế và các khoản thu khác thuộc Ngân sách Nhà nước, trong đó Tập đoàn Thiên Minh Đức nợ hơn 1.030 tỷ đồng.
Trước khi nằm trong danh sách nợ thuế, Thiên Minh Đức là doanh nghiệp nộp thuế cao nhất tỉnh Nghệ An năm 2021 với 1.820 tỷ đồng và là nhóm những doanh nghiệp địa phương đóng góp lớn nhất vào ngân sách nhà nước.
Cũng trong thời gian này, Thiên Minh Đức bị quản lý thị trường xử phạt hành chính, tước giấy phép xuất, nhập khẩu xăng dầu 45 ngày (từ 6/3 đến 21/4). Đây là một trong ba doanh nghiệp đầu mối xăng dầu vi phạm pháp luật về điều kiện kinh doanh.
Qua kiểm tra, tập đoàn không đáp ứng điều kiện về hệ thống phân phối xăng dầu, bị tước giấy phép kinh doanh và xử phạt hành chính 85 triệu đồng.
Hệ sinh thái đồ sộ
Tập đoàn Thiên Minh Đức được thành lập vào hoạt động từ năm 2001 và đến nay có vốn điều lệ 2.022 tỷ đồng. Nhà sáng lập Chu Thị Thành nắm cổ phần chi phối với 77,15%, ông Chu Đăng Khoa (con trai) sở hữu 22,77% và phần còn lại thuộc về ông Vương Đình Quán.
Các cổ đông sáng lập từng tham gia vào nhiều giao dịch đảm bảo. Tháng 6/2022, nhóm cổ đông mang toàn bộ 100% phần vốn góp tại Thiên Minh Đức đi thế chấp cho ngân hàng. Hay năm 2018 là thế chấp tổng cộng 75.000 trái phiếu ngân hàng.
Thiên Minh Đức sở hữu hệ sinh thái đồ sộ gồm nhiều đơn vị hoạt động trong các lĩnh vực như xăng dầu, khí hóa lỏng, bất động sản, sản xuất giấy, bao bì, logistic, dịch vụ nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi.
Tập đoàn này có mạng lưới hệ thống phân phối 100 đại lý bán lẻ xăng dầu mang thương hiệu DKC Petro và khoảng 100 đơn vị mua hàng trực tiếp để phân phối trên toàn quốc, hệ thống cảng biển và kho chứa ở cả ba miền.
Doanh nghiệp lấn sân sang bất động sản với dự án Highway5 Residences ở Gia Lâm (Hà Nội) và thâu tóm Tổ hợp đô thị, khách sạn Hà Nội Kim Liên tại Cửa Lò (Nghệ An), chủ sở hữu thương hiệu Vận tải biển DKC Shipping, nhà máy giấy và bao bì Thiên Phú...
Một đơn vị nổi bật khác là Công ty điện mặt trời miền Trung MK (thành lập năm 2019), là cái bắt tay của doanh nhân xăng dầu miền Trung Chu Thị Thành và ông chủ Plaschem Group Bùi Tố Minh.
Công ty thành viên này từng được chấp thuận đầu tư nhiều dự án bao gồm xây dựng nhà máy điện gió ở Hà Tĩnh, điện mặt trời ở Nghệ An, nhà ở xã hội ở Nghệ An và khu công nghiệp ở Tiền Giang, với quy mô hàng nghìn tỷ đồng mỗi dự án.