Theo Nghị định 70 cùng Thông tư 32 hướng dẫn gần nhất, với những hộ kinh doanh có doanh thu dưới 1 tỷ đã nộp thuế khoán trong năm 2025, phải đến đầu năm 2026 mới phải nộp thuế theo luật mới. Còn với những hộ kinh doanh có doanh thu từ 1 tỷ đồng trở lên sẽ nộp thuế theo doanh thu bắt đầu từ 1/6/2025 và có hóa đơn đầu vào – đầu ra, hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền phải kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế.

Trong vài ngày gần đây, các cơ quan chức năng như Quản lý thị trường và Thuế đã đến tuyên truyền cũng như hướng dẫn thực hiện Nghị định 70, đồng thời kiểm tra sơ bộ tại chợ Tân Bình. Và phản ứng của một bộ phận tiểu thương chợ Tân Bình trước sự siết chặt quản lý của Nhà nước là đóng cửa hàng/kiosk và tạm nghỉ kinh doanh dài ngày.

Trước thực trạng này, nhiều nhà sáng tạo nội dung số như trên Youtube, đã đưa ra những thông tin một chiều nhằm giật tít câu view, khiến lòng người hoang mang. Vậy nên, khi chúng tôi cầm máy ảnh đi thực địa chợ Tân Bình vào chiều 10/6, thì nhiều bảo vệ ở chợ đã ra can ngăn không cho chụp hình.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, sở dĩ một bộ phận tiểu thương ở chợ Tân Bình có phản ứng hơi quá khích như thế, là do họ có nhiều điều vướng mắc với quy định mới, bởi chuỗi cung ứng may mặc ở đây cũng như hình thức phân phối B2B quá đặc thù và khác biệt. Kết quả, là các tiểu thương rất khó để có được hóa đơn đầu ra – đầu vào ngay lập tức.

Cách hoạt động của chuỗi cung ứng may mặc ở ‘thủ phủ’ Tân Bình

Tại TP. HCM, 2 quận Tân Bình, Tân Phú là khu vực có nhiều nhà may gia công tư nhân - hộ gia đình nhất; quận Tân Bình – chợ Tân Bình được xem là thủ phủ may mặc của Thành phố. Chuỗi cung ứng này không chỉ cung cấp áo quần cho TP. HCM mà còn cả miền Tây, miền Nam và cả miền Trung.

Chuỗi cung ứng ở thủ phủ may mặc TP. HCM hoạt động theo hai cách. Cách một: các nhà may vệ tinh tự nghĩ ra mẫu và đến các cung đường/hệ thống cửa hàng ở chợ Tân Bình chuyên bán nguyên vật liệu may mặc như vải, nút áo, dây kéo, chỉ…để mua hàng; sau khi may ra thành phẩm thì tự đến chào hàng với các cửa hàng bán buôn ở chợ Tân Bình hoặc khu vực gần đó (ở đường Tân Lập – Tân Tạo – Tân Thọ - Tân Xuân).

Cách hai: các nhà buôn ở chợ Tân Bình hoặc khu vực lân cận đến đặt hàng và đưa mẫu cho nhà may, nhà may sẽ tự đi mua nguyên vật liệu may mặc, sau đó trả thành phẩm áo quần cho nhà buôn. Với vốn ít và không chấp nhận rủi ro quá cao, hệ thống nhà may vệ tinh thường ưu tiên hoạt động theo cách hai hơn là cách một, ưa chuộng làm với khách quen hơn khách lạ.

Tại chợ Tân Bình và địa điểm gần đó, các hộ kinh doanh áo quần đầm váy chủ yếu bán buôn và một số ít vừa bán buôn vừa bán lẻ. Tổng hợp lại, chợ Tân Bình vừa cung cấp nguyên liệu đầu vào cho hệ thống nhà may gia công vệ tinh vừa là đầu ra của chúng.

Tuy nhiên, qua thời gian, nhất là sau Covid-19, cộng với sự cạnh tranh dữ dội từ hàng Trung Quốc, thêm nền kinh tế đang trong giai đoạn thoái trào; khiến chuỗi cung ứng truyền thống này đã có nhiều thay đổi đáng kể.

Các tiểu thương bán buôn áo quần ở đây không chỉ bán offline mà còn bán online (trên Facebook/Zalo), nhất là chủ không quá lớn tuổi. Nhiều cửa hàng ở chợ Tân Bình và các phố lân cận không chỉ nhập hàng của hệ thống nhà may vệ tinh tại TP. HCM, mà còn nhập hàng Trung Quốc (ví dụ như từ Quảng Đông) về bán.

Còn hệ thống nhà may không chỉ bán hàng cho nhà buôn ở thủ phủ may mặc Tân Bình, mà còn gia công đơn hàng cho người bán buôn trên cả nước, nhận đơn hàng offline lẫn online. Trước đây, cả nhà buôn lẫn nhà may thỉnh thoảng vẫn trúng những đơn hàng tốt đi Campuchia hoặc Thái Lan, nhưng nay không còn nữa. Hàng may mặc Trung Quốc không chỉ đang tràn qua Việt Nam mà cả Đông Nam Á.

Trước Covid-19, nhiều tiểu thương ở thủ phủ may mặc Tân Bình và một số ít nhà may có thu nhập khá tốt khi mua được nhà được xe sau nhiều năm tích lũy; nhưng hiện tại, hoạt động kinh doanh của tất cả chủ thể trong chuỗi cung ứng đang gặp nhiều khó khăn vì thời cuộc. Tình hình không còn tươi sáng như trước nữa.

Tuy nhiên, dù chuỗi cung ứng này hoạt động theo cách nào và ở thời điểm nào, vẫn theo quy trình ‘nợ liên hoàn’. Trừ giai đoạn đầu làm quen, sau khi đã mua bán vài lần và tin tưởng nhau, nhà may vệ tinh sẽ mua nợ các cửa hàng cung ứng nguyên vật liệu, nhà buôn sẽ mua nợ các nhà may vệ tinh và nhà bán lẻ sẽ mua nợ nhà buôn.

Khoảng từ 3 tháng, 6 tháng hoặc 1 năm, tùy nhu cầu thị trường và mối quan hệ giữa các bên sâu sắc tới đâu; nhà bán lẻ sẽ trả lại hàng tồn cho nhà buôn và thanh toán tiền mua hàng. Theo đó, nhà buôn sẽ có tiền trả cho nhà may và nhà may có tiền trả cho nhà cung cấp nguyên liệu đầu vào.

Những vấn đề phát sinh nếu làm theo luật định mới với chuỗi cung ứng cũ

Chiều ngày 10/6, sau khi dạo quanh một vòng chợ Tân Bình và các khu phố buôn bán áo quần gần đó, chúng tôi đã thấy rất nhiều hàng quán đã đóng cửa.

Trong chợ Tân Bình, hầu hết kiosk phía trong chợ nơi có mái che đã đóng cửa. Hầu hết cửa hàng phía bên ngoài mặt tiền chợ và mặt tiền trong 3 đường xuyên các cổng chợ, tiểu thương vẫn mở cửa buôn bán bình thường. Hệ thống cửa hàng gần chợ Tân Bình ở đường Tân Lập – Tân Tạo – Tân Thọ - Tân Xuân, lượng cửa hàng đóng cửa tạm nghỉ kinh doanh cũng chiếm gần 1/2.

Có hai nguyên nhân chính khiến các kiosk đóng cửa trong chiều 10/6: một số đóng kiosk tạm nghỉ kinh doanh buổi chiều là vì bán ế, chúng ta có thể thấy không ít cửa hàng/kiosk phía trong chợ lẫn mặt tiền chợ treo bảng sang quán; phần còn lại đóng nghỉ bán đã một thời gian vì sợ các cơ quan nhà nước đi kiểm tra.

“Với những người bán buôn áo quần như chúng tôi, làm hóa đơn đầu ra hay đầu vào đều có rất nhiều bất cập. Chúng tôi thường mua nợ ở đầu vào và bán nợ ở đầu ra; tức là, thường sau vài tháng đến 1 năm, tôi mới nhận/trả hàng tồn thì mới nhận/thanh toán tiền toàn bộ đơn hàng”, một ông chủ giấu tên có cửa hàng bán buôn ở đường Tân Thọ cho biết.

Về hóa đơn đầu vào: theo ông, trước giờ các nhà may gia công không có xuất hóa đơn đầu ra, nên tất nhiều nhà buôn cũng không có gì để khởi tạo hóa đơn đầu vào.

Về hóa đơn đầu ra: nếu nhà may, nhà buôn hoặc nhà bán lẻ làm hóa đơn bán hàng đúng theo hướng dẫn của nhà nước; rồi nhà nước đánh thuế trên doanh thu bán hàng, thì khi họ trả/nhận lại lượng hàng tồn, cả ba bên có được hoàn tiền thuế tương đương hay không?

Bán sỉ khác bán lẻ hàng hóa ở các siêu thị như Bách Hóa Xanh hay Winmart. Ở siêu thị, bạn chỉ có thể đổi trả trong ngày; nhưng với nhà bán buôn, thậm chí sau một năm, người mua hàng bán lẻ vẫn đến và yêu cầu đổi hoặc trả hàng.

Hiện tại, lượng đơn hàng xuất ra hàng ngày của ông cũng đã chậm đi trông thấy, khi đối tác bán lẻ cũng ngại lấy hàng nhiều vì sợ bị các cơ quan nhà nước kiểm tra mà không có hóa đơn đầu vào. Họ chỉ lấy ít và nhỏ giọt để có thể bán hết trong vài ngày chứ không muốn tích trữ lâu dài.

“Với tình hình này, sắp tới, tôi cũng phải đi đăng ký làm Hộ kinh doanh gia đình để làm các hóa đơn đầu vào lẫn đầu ra.

Tuy nhiên, tôi thấy việc đánh thuế dựa trên doanh thu là không phù hợp với ngành hàng may mặc, khi số vốn chúng tôi bỏ ra rất lớn nhưng lợi nhuận trên từng sản phẩm không bao nhiêu, có khi chỉ lời 1.000 đến 2.000 đồng trên một thành phẩm áo hay quần”, một chủ nhà may gia công quy mô hộ gia đình giấu tên ở quận Tân Phú bày tỏ.

Theo lời kể của anh chủ này, anh là em út trong nhà và có nhiều anh chị em con cháu cùng làm nghề may gia công. Trước kia khi còn độc thân thì anh làm công cho chị gái và mới ra riêng sau khi cưới vợ cách đây 10 năm. Với gần 15 năm trong nghề, anh đã thấy được rất nhiều thăng trầm của thị trường.

Trước đây, chị gái của anh mất 5 năm tích cóp và vay mượn thêm từ gia đình để mua được nhà; anh trai anh mất 7 năm đề làm điều tương tự. Tới lược anh, dù đã qua 10 năm, nhưng chuyện mua nhà vẫn còn khá xa vời. Trước đây, hầu hết xưởng may gia đình đều thuê từ 5 đến ba thợ, nhưng bây giờ chỉ thuê một đến hai thợ, như gia đình anh.

Trong khi thu nhập từ nghề may gia công ngày càng ít đi, còn giá nhà ở TP. HCM, đặc biệt là các quận như Tân Bình – Tân Phú, ngày càng leo thang chóng mặt. Như người ta nói, mọi sự so sánh đều là khập khiễng, nhưng nghề kinh doanh may mặc ở TP. HCM ngày càng khó khăn là sự thật.

Vậy nên, anh mong Nhà nước có thể nhìn nhận lại toàn cảnh thị trường cũng như đặc thù chuỗi cung ứng may mặc ở đây, để có thể đưa ra một chính sách hợp lý hoặc hướng dẫn cụ thể hơn.