Cuộc khủng hoảng mang tính lịch sử

Những năm tháng tăng trưởng thần tốc của Trung Quốc đã lùi vào dĩ vãng. Ngay lúc này, nền kinh tế tỷ dân đang phải vật lộn với sự sụp đổ của một trong những bong bóng bất động sản lớn nhất thế giới.

Theo ước tính của Barclays, cú lao dốc của thị trường bất động sản kể từ năm 2021 đã xóa sổ khoảng 18.000 tỷ USD của cải của các hộ gia đình Trung Quốc. Để so sánh, tổn thất của các hộ gia đình Mỹ trong khủng hoảng tài chính năm 2008 - 2009 là 17.000 tỷ USD.

Con số 18.000 tỷ USD lớn hơn 50% tổng vốn hóa mọi công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Trung Quốc và tương đương sản lượng kinh tế một năm của nước này.

Tổn thất khổng lồ vì sự đổ vỡ của bong bóng bất động sản cùng với giai đoạn khó khăn thời COVID-19 còn giúp giải thích vì sao người tiêu dùng Trung Quốc đang thắt chặt chi tiêu.

Giờ đây, Trung Quốc đang phải oằn mình chống chọi tình trạng dư thừa quá mức, khi hàng triệu căn nhà xây dựng dang dở hoặc trống không, các chính quyền địa phương vay nợ hàng nghìn tỷ USD và sản lượng công nghiệp khổng lồ gây căng thẳng thương mại trên toàn thế giới.

Trên thực tế, nền kinh tế Trung Quốc vẫn còn nhiều điểm mạnh. Chẳng hạn, quốc gia này vẫn thống trị hoạt động sản xuất toàn cầu và dẫn đầu trong nhiều công nghệ mới, bao gồm xe điện và năng lượng tái tạo.

Các nhà hoạch định sách chính Trung Quốc đã chứng minh trong quá khứ rằng họ có năng lực xử lý các cuộc khủng hoảng và đang chuẩn bị các biện pháp kích thích mới để hỗ trợ nền kinh tế.

Dẫu vậy, tình trạng dư thừa quá lớn trong nền kinh tế vẫn đang đẩy Bắc Kinh vào tình thế đáng ngại trước mối nguy về một cuộc chiến tranh thương mại khác với Mỹ.

Định mệnh bị trì hoãn

Sau khi chứng kiến Trung Quốc tăng trưởng chóng mặt trong hàng chục năm, nhiều chuyên gia dự đoán Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới. Hồi năm 2019, một số chuyên gia ước tính GDP Trung Quốc sẽ vượt mặt Mỹ vào khoảng năm 2030.

Nhưng hiện tại, Mỹ vẫn đang là đầu tàu thúc đẩy nền kinh tế thế giới còn Trung Quốc thì vật lộn để ngăn tốc độ tăng trưởng sụt giảm. Đa số các nhà kinh tế giờ cho rằng Trung Quốc không thể bắt kịp với Mỹ trước năm 2050, hoặc vĩnh viễn không chạm tay được vào cột mốc này, tờ Wall Street Journal (WSJ) cho hay.

Trung Quốc còn đang phải đối mặt với “quả bom hẹn giờ” về nhân khẩu học sẽ cản trở nước này trong quá trình khôi phục sức mạnh kinh tế. Dân số trong độ tuổi lao động của Trung Quốc đang sụt giảm, đảo ngược lợi tức nhân khẩu học đã chắp cánh cho nước này trở thành cường quốc kinh tế thứ hai thế giới.

Ba "dư thừa" trong nền kinh tế

Trong hàng thập kỷ, các khoản đầu tư lớn là động lực tăng trưởng quan trọng của Trung Quốc. Ban đầu, chúng tạo ra cơ sở hạ tầng hiện đại, thúc đẩy sự mở rộng của ngành sản xuất và các siêu đô thị.

Tuy nhiên, duy trì chiến lược đó năm này qua năm khác khiến cho Trung Quốc ngày nay bị bủa vây bởi những khoản nợ khổng lồ, những căn hộ không cần thiết và tình trạng dư thừa công suất công nghiệp.

"Dư thừa" nợ

Nợ nần của các chính quyền địa phương, hộ gia đình và doanh nghiệp ở Trung Quốc đang gần tiến tới ngưỡng 30% GDP hàng năm. Các khoản “nợ ẩn” - nợ vay nằm ngoài sổ sách chính thức thông qua các công ty huy động vốn của chính quyền địa phương (LGFV) - là vấn đề đặc biệt nghiêm trọng.

Theo một số thước đo, quy mô nợ ẩn và gánh nặng trả nợ tại Trung Quốc còn nghiêm trọng hơn nợ ở Mỹ trước cuộc khủng hoảng tài chính hay khủng hoảng nợ công châu Âu giai đoạn 2008 - 2012.

"Dư thừa" nhà

Quy mô bong bóng bất động sản ở Trung Quốc và sự sụp đổ của nó đã gây ra hậu quả tai hại. Số công trình mới và doanh số bất động sản ở Trung Quốc cắm đầu giảm sau khi chính phủ bắt đầu cố gắng kìm hãm bong bóng vào năm 2020.

Sau khi bong bóng xẹp, Bắc Kinh đã cố gắng ổn định lại thị trường nhưng chưa thành công, bất chấp những biện pháp như nới lỏng hạn chế mua nhà hay cung cấp tín dụng giá rẻ cho người mua tiềm năng.

Dựa trên những ước tính gần nhất vào cuối tháng 11/2024, Trung Quốc có khoảng 80 triệu căn nhà bỏ trống, bằng một nửa nguồn cung nhà ở trên toàn nước Mỹ.

"Dư thừa" công suất công nghiệp

Để ngăn chặn sự sa sút của nền kinh tế và biến Trung Quốc thành siêu cường về công nghệ, giới lãnh đạo ở Bắc Kinh đang đổ tiền đầu tư vào các nhà máy.

Kết quả là công suất công nghiệp tăng vọt và giá sản xuất ở Trung Quốc sụt giảm hai năm liên tiếp. Do thị trường nội địa không thể hấp thụ hết lượng hàng hóa xuất xưởng, các công ty Trung Quốc phải đẩy mạnh nỗ lực tìm kiếm người mua nước ngoài.

Những hoạt động đó gây ra xung đột thương mại giữa Trung Quốc với các nước phương Tây do Mỹ dẫn đầu và cả những thị trường mới nổi như Brazil và Ấn Độ.