Đây là giai đoạn chứng kiến sự giao thoa giữa các yếu tố kinh tế, chính trị và công nghệ, đặt ra nhiều thách thức cũng như cơ hội cho ngành năng lượng truyền thống này. Trong bối cảnh đó, câu hỏi lớn đặt ra là: Thị trường dầu sẽ diễn biến ra sao trong năm 2025 khi các xu hướng lớn vẫn tiếp tục định hình?

Nhìn lại một năm đầy biến động

Giá dầu trong năm qua dao động mạnh, trong biên độ từ 70 USD/thùng đến 100 USD/thùng, chịu ảnh hưởng chủ yếu từ nhu cầu của Trung Quốc và căng thẳng ở Trung Đông. Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, đóng vai trò then chốt, với những lo ngại về tăng trưởng kinh tế và nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ liên tục tác động đến giá cả.

Các gói kích thích kinh tế từ Bắc Kinh đã không tạo ra sự đột biến trong tiêu thụ dầu như kỳ vọng, góp phần vào sự sụt giảm giá chung. Trong khi đó, leo thang xung đột ở Trung Đông, đặc biệt là liên quan đến Israel (I-xra-en) và Iran, làm dấy lên lo ngại về gián đoạn nguồn cung, càng làm tăng thêm sự biến động của thị trường.

Tại Mỹ, các nhà sản xuất dầu đá phiến giữ thái độ thận trọng,tập trung vào việc sáp nhập và mua lại thay vì tăng trưởng sản lượng mạnh mẽ.

Bất chấp kỳ vọng về sự bùng nổ sản xuất sau cuộc bầu cử tổng thống, các nhà lãnh đạo ngành lại ưu tiên lợi nhuận hơn sản lượng. Giám đốc điều hành (CEO) của ExxonMobil đã tuyên bố rằng họ sẽ không tăng cường sản xuất trừ khi giá dầu quốc tế ở mức đảm bảo lợi nhuận.

Ngoài dầu mỏ, năm 2024 chứng kiến sự gia tăng nhu cầu khí đốt tự nhiên, do nhu cầu điện ngày càng tăng từ cuộc đua trí tuệ nhân tạo (AI) của các công ty công nghệ lớn.

Nhu cầu gia tăng này, cùng với những thách thức mà các nguồn năng lượng tái tạo như gió và Mặt Trời đang gặp phải, đã góp phần làm gia tăng sự quan tâm trở lại đối với năng lượng hạt nhân, đặc biệt là các lò phản ứng hạt nhân module nhỏ, như một nguồn năng lượng thay thế đáng tin cậy và không phát thải.

Năm 2024 cũng ghi nhận sự tăng cường đầu tư vào năng lượng tái tạo, đặc biệt ở châu Âu và Bắc Mỹ. Việc các quốc gia cam kết giảm phát thải carbon đã đặt ngành dầu mỏ trước những áp lực lớn hơn.

Tuy nhiên, nhu cầu dầu trong ngành giao thông vận tải và hóa dầu vẫn chưa có dấu hiệu giảm ngay lập tức, cho thấy vai trò của dầu mỏ trong nền kinh tế toàn cầu vẫn còn mạnh mẽ.

Trong khi đó, Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, còn gọi là OPEC+, tiếp tục đóng vai trò điều tiết chính trên thị trường dầu.

Các đợt cắt giảm sản lượng trong năm đã giúp giữ giá dầu ở mức có lợi cho những nước xuất khẩu, nhưng cũng tạo áp lực đáng kể lên các nước nhập khẩu, đặc biệt trong bối cảnh lạm phát toàn cầu gia tăng.

Triển vọng 2025: Con đường bất định

Triển vọng cho thị trường dầu mỏ năm 2025 vẫn chưa chắc chắn. Trong khi một số nhà phân tích chỉ ra khả năng tăng giá ngắn hạn, thì xu hướng chung dường như đang giảm, với những lo ngại về dư thừa nguồn cung và nhu cầu suy yếu chiếm ưu thế trong câu chuyện.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo nguồn cung sẽ vượt nhu cầu dầu mỏ thế giới vào năm 2025, ngay cả khi OPEC+ duy trì việc cắt giảm sản lượng. Tình trạng dư thừa nguồn cung này, kết hợp với căng thẳng thương mại tiềm ẩn và sự không chắc chắn về nhu cầu của Trung Quốc, có thể gây áp lực giảm giá dầu.

Tuy nhiên, các sự kiện địa chính trị và sự gián đoạn bất ngờ luôn có khả năng đẩy thị trường theo những hướng không lường trước được. Sự phụ thuộc của thị trường dầu mỏ vào sự ổn định địa chính trị và tăng trưởng kinh tế ở các quốc gia tiêu thụ chính khiến nó đặc biệt dễ bị tổn thương trước những cú sốc.

Giám đốc điều hành hãng kinh doanh năng lượng Vitol lớn nhất thế giới, ông Russell Hardy, nhận định rằng nhu cầu dầu toàn cầu có thể đạt đỉnh trong vòng 10 năm tới, giữa lúc tiêu thụ ngày càng tăng ở các nước đang phát triển bù đắp cho sự sụt giảm ở các nền kinh tế tiên tiến.

Cuộc tranh luận xung quanh nhu cầu dầu trong tương lai đã "nóng" lên trong những năm gần đây, với việc OPEC có quan điểm đối lập với IEA.

Tổng thư ký OPEC Haitham Al Ghais cho hay ông lạc quan về triển vọng nhu cầu dầu trong dài hạn. Ông Al Ghais nói thêm: "Tăng trưởng kinh tế đang trong giai đoạn khởi sắc. Bất chấp một số thách thức, bức tranh kinh tế toàn cầu không ảm đạm như đánh giá của một số người".

Trong khi đó, IEA mới đây dự báo nhu cầu thế giới về dầu, than và khí đốt sẽ đạt đỉnh vào năm 2030, trong bối cảnh nhu cầu sử dụng xe điện và năng lượng tái tạo ngày càng gia tăng.

IEA dự báo nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tăng khoảng 900.000 thùng/ngày trong năm 2024 và gần 1 triệu thùng/ngày vào năm 2025, đánh dấu sự suy giảm mạnh so với mức tăng 2 triệu thùng/ngày được ghi nhận trong giai đoạn hậu đại dịch COVID-19.

Ông Tom Kloza, người đứng đầu bộ phận phân tích năng lượng của công ty theo dõi giá dầu OPIS, cho biết thị trường đang rất lo ngại về triển vọng giá dầu trong năm 2025.

Ông cho rằng giá dầu có thể giảm xuống 30 USD/thùng hoặc 40 USD/thùng nếu OPEC+ tăng sản lượng và không đạt được thỏa thuận thực sự nào để kiềm chế nguồn cung. Chuyên gia này cho biết cho biết thị phần của OPEC+ đã giảm đáng kể trong những năm qua.

Điều chỉnh và thích nghi

Năm 2025 sẽ là năm mà thị trường dầu mỏ phải thích nghi với sự thay đổi trong nhu cầu, áp lực từ chuyển đổi năng lượng và các biến động địa chính trị. Dầu mỏ vẫn đóng vai trò trọng yếu trong nền kinh tế toàn cầu, nhưng các yếu tố như công nghệ, môi trường và chính trị sẽ dần thay đổi cấu trúc thị trường.

Năm 2025 cũng là thời điểm mà các chính sách năng lượng và môi trường toàn cầu sẽ được đẩy mạnh. Việc thực hiện các cam kết cắt giảm phát thải khí nhà kính có thể gây áp lực lên ngành dầu mỏ, nhưng đồng thời tạo động lực để các quốc gia và doanh nghiệp hợp tác trong việc phát triển những công nghệ mới như thu hồi carbon (CCS) hoặc cải thiện hiệu suất khai thác.

Diễn biến thị trường dầu mỏ thế giới trong năm 2025 không chỉ phụ thuộc vào khả năng vượt qua các biến động ngắn hạn mà còn nằm ở việc chuẩn bị cho tương lai dài hạn. Thị trường dầu mỏ sẽ không còn như trước, nhưng nó vẫn là một phần không thể thiếu trong hành trình phát triển kinh tế toàn cầu.