“Điều này không thể tiếp diễn. Hoặc sẽ có hòa bình, hoặc sẽ là một thảm kịch đối với Iran, còn lớn hơn nhiều so với những gì chúng ta chứng kiến trong 8 ngày qua,” ông Trump phát biểu tối thứ Bảy.
“Vẫn còn rất nhiều mục tiêu khác,” ông nói thêm. “Cuộc tấn công đêm nay là khó khăn nhất, và có lẽ cũng là đòn chí tử nhất. Nhưng nếu hòa bình không đến sớm, chúng tôi sẽ nhắm tới các mục tiêu còn lại với độ chính xác, tốc độ và kỹ năng cao nhất.”
Tổng thống cho biết các lực lượng Mỹ đã không kích các cơ sở hạt nhân tại Natanz, Fordow và Isfahan, đồng thời ông gọi đây là “một thắng lợi quân sự ngoạn mục”.
“Các cơ sở làm giàu hạt nhân chủ chốt của Iran đã bị xóa sổ hoàn toàn,” ông Trump tuyên bố. Ông Trump cho rằng Iran giờ đây phải hướng tới hòa bình: “Nếu họ không làm vậy, những đòn tấn công tiếp theo sẽ còn khốc liệt hơn nhiều – và dễ thực hiện hơn rất nhiều.”
Ngay sau bài phát biểu, ông Trump đã đăng trên mạng xã hội lời cảnh báo: “Bất kỳ hành động trả đũa nào của Iran chống lại Mỹ sẽ phải chịu sự đáp trả với sức mạnh vượt xa những gì diễn ra đêm nay”.
Theo Bloomberg, đây được coi là một trong những quyết định hệ trọng nhất trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump tại Nhà Trắng. Động thái này làm gia tăng đáng kể nguy cơ xung đột lan rộng và mất kiểm soát tại Trung Đông, trong bối cảnh Iran đã cảnh báo sẽ trả đũa nếu Mỹ tham gia vào chiến dịch tấn công của Israel.
Đối với ông Trump, quyết định này đánh dấu sự thay đổi lớn của một tổng thống từng giành lại quyền lực với lời hứa sẽ giữ nước Mỹ tránh xa các cuộc chiến ở nước ngoài và chỉ trích sự can thiệp quân sự của Mỹ tại khu vực, đặc biệt là các cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan.
Ông Trump cho rằng chính sách nhất quán của ông từ lâu là ngăn chặn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân. Ông xem chiến dịch quân sự lần này như một đỉnh điểm trong nỗ lực chấm dứt chương trình hạt nhân của Tehran, giảm thiểu các mối đe dọa đối với Israel và kiềm chế các cuộc tấn công nhằm vào lợi ích của Mỹ ở Trung Đông.
Israel từ lâu đã thúc ép Mỹ tham gia chiến dịch quân sự để ngăn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân, đặc biệt là sử dụng loại bom xuyên boong-ke mà Israel không có khả năng triển khai để phá hủy các cơ sở hạt nhân ngầm. Kể từ khi Israel phát động các đợt tấn công, Mỹ chỉ giới hạn vai trò ở việc hỗ trợ phòng thủ trước các đợt phóng tên lửa và máy bay không người lái của Iran.
Các nhân vật cứng rắn về an ninh quốc gia trong đảng Cộng hòa, như Thượng nghị sĩ Lindsey Graham, đã thúc giục tấn công Iran trong thời điểm nước này đang suy yếu.
Tuy nhiên, theo Bloomberg, các cuộc không kích cũng làm lộ rõ rạn nứt trong nội bộ đảng Cộng hòa, khi một số thành viên của phong trào “Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại” (MAGA) của ông Trump phản đối việc Mỹ can dự vào một cuộc xung đột ở nước ngoài.
Ông Steve Bannon – đồng minh thân cận của ông Trump, từng là người dẫn chương trình của Fox News Tucker Carlson và Hạ nghị sĩ Marjorie Taylor Greene – đều phản đối các cuộc không kích và cảnh báo Mỹ có thể lại rơi vào một cuộc chiến ở Trung Đông.
“Đây không phải là cuộc chiến của chúng ta,” bà Greene đăng trên mạng xã hội X.
Trước đó, ông Trump đã khiến thế giới hồi hộp chờ đợi quyết định có đưa Mỹ vào cuộc chiến hay không. Hôm thứ Năm (19/6), ông tuyên bố sẽ đưa ra quyết định cuối cùng trong vòng hai tuần – một khoảng thời gian khá dài trong bối cảnh xung đột diễn biến nhanh chóng.
Tuy nhiên, đến thứ Sáu, ông gợi ý có thể hành động sớm hơn, nói với báo giới rằng “hai tuần là tối đa.”
Trước khi Israel phát động đợt tấn công đầu tiên hồi tuần trước, ông Trump nhiều lần khẳng định ông ưu tiên con đường ngoại giao và mong muốn đạt được một thỏa thuận hạt nhân mới với Iran.
Theo kế hoạch ban đầu, Mỹ và Iran sẽ tổ chức vòng đàm phán hạt nhân thứ 6 vào cuối tuần, nhưng cuộc gặp bị hủy sau khi Israel tiến hành đợt không kích đầu tiên. Tuy nhiên, đến cuối tuần, ông Trump tuyên bố đã hết kiên nhẫn với Iran và cho rằng “giờ đã quá muộn” để Tehran nối lại đàm phán ngoại giao.
Về phía Iran, Ngoại trưởng Abbas Araqchi mới đây tuyên bố trên mạng xã hội X rằng nước này “giữ quyền lựa chọn mọi biện pháp để tự vệ” sau khi Mỹ tiến hành không kích các cơ sở hạt nhân, đồng thời gọi các cuộc tấn công là “sẽ để lại hệ quả lâu dài”, theo Reuters.