Sáng 7/3, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc đã họp với các bộ, ngành, doanh nghiệp về dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.

Không đưa doanh nghiệp cấp 2 vào đối tượng quản lý

Tại cuộc họp hầu hết đại diện các tập đoàn đều kiến nghị về việc phân cấp, phân quyền và phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật theo hướng không nên đưa doanh nghiệp cấp 2 vào đối tượng quản lý.

Đại diện PVN kiến nghị việc phân cấp, hình thức quản lý vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp trong điều kiện giả định chỉ quản lý đến F1; đề nghị phân cấp mạnh mẽ cho hội đồng thành viên, hội đồng quản trị; đề xuất bổ sung quy định về xử lý rủi ro; có cơ chế đánh giá doanh nghiệp theo cả quá trình để phản ánh đúng hoạt động của doanh nghiệp…

Đồng quan điểm, Tổng Giám đốc VNR cho rằng chỉ quy định quản lý đến F1, đồng thời giao Hội đồng thành viên chịu trách nhiệm xây dựng, báo cáo chủ sở hữu về kế hoạch hằng năm; doanh nghiệp tự quyết định về vấn đề tiền lương…

Đại diện EVN cũng góp ý về phân cấp thẩm quyền quyết định đầu tư; thẩm quyền phê duyệt kế hoạch sản xuất kinh doanh hằng năm, kế hoạch 5 năm; cơ chế quản lý F2 nhằm tăng quyền tự chủ, tự quyết, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp; cơ chế quản lý quỹ đầu tư phát triển;…

Đại diện ACV và đại diện Vinaline cũng cho rằng, Luật này chỉ nên quy định khung, đẩy mạnh phân quyền cho Chính phủ, thống nhất chỉ nên quản lý đến F1 và quy định rõ trách nhiệm của Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên đối với quản lý F2…

Tổng Giám đốc VEC cũng kiến nghị về cơ chế quản lý đối với việc tăng vốn điều lệ; bổ sung quy định về quản lý đầu tư, tài sản kết cấu giao thông đường bộ; cơ chế phân cấp về thẩm quyền phê duyệt đối với kế hoạch sản xuất kinh doanh, quản lý tài chính, tiền lương, phương án huy động vốn…

Đại diện các ngân hàng thương mại cũng đồng tình với quy định chỉ quản lý đến F1; đồng thời góp ý về cơ chế quản lý đối với việc bổ sung vốn; cơ chế phân phối lợi nhuận; giao kế hoạch sản xuất kinh doanh hằng năm; giao doanh thu chi phí;…

Đại diện Viettel cũng đồng tình với các kiến nghị của các doanh nghiệp khác về đối tượng áp dụng (chỉ nên quản lý với F1); thẩm quyền phê duyệt kế hoạch sản xuất kinh doanh hằng năm;…

Bổ sung bảo hiểm tiền gửi vào đối tượng áp dụng của Luật

Về phía các bộ, ngành,Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đề nghị bổ sung bảo hiểm tiền gửi vào đối tượng áp dụng của luật này; đồng thời góp ý về quy định phân phối lợi nhuận trong dự thảo trong tương quan với Luật Tổ chức tín dụng. NHNN cũng góp ý quy định về quỹ đầu tư phát triển; rà soát các nội dung liên quan đến trách nhiệm của cơ quan đại diện vốn chủ sở hữu.

Bộ Nông nghiệp và Tài nguyên góp ý về quy định quản lý đối với việc đưa kết tài sản là cấu hạ tầng vào vốn; làm rõ quyền và trách nhiệm của chủ sở hữu, đại diện chủ sở hữu; thẩm quyền quyết định việc sắp xếp, sáp nhập doanh nghiệp nhà nước theo quy mô vốn;…

Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị rà soát các quy định liên quan đến triển khai Nghị quyết 57 cũng như Nghị quyết 193 của Quốc hội liên quan đến cơ chế đặc biệt, đặc thù phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc yêu cầu cơ quan chủ trì soạn thảo phải tuân thủ chặt chẽ quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; tiếp thu đầy đủ, tối đa các ý kiến của doanh nghiệp, bộ ngành; hoàn thiện dự thảo, gửi Chính phủ trước 11/3 tới.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm thiết kế luật quản lý theo "dòng tiền", tăng cường phân cấp, phân quyền; Về nội dung, Phó Thủ tướng nêu quan điểm: Luật sửa đổi phải đảm bảo nguyên tắc "chỗ nào có vốn nhà nước thì chỗ đó phải quản lý. Vấn đề là có hình thức quản lý phù hợp, hiệu quả".

Về khái niệm, Phó Thủ tướng đề nghị cơ quan soạn thảo phân định rõ khái niệm vốn nhà nước tại doanh nghiệp và khái niệm ngân sách nhà nước.

Về đối tượng quản lý, Phó Thủ tướng cho rằng, chủ sở hữu vốn nhà nước chỉ quản lý đến doanh nghiệp F1. Từ F2 trở xuống giao cho đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước quản lý, để vừa tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, phát huy sự sáng tạo, chủ động.

Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng cho ý kiến đối với các nội dung liên quan đến quy định về phân quyền quyết định chỉ tiêu, phê duyệt kế hoạch sản xuất kinh doanh; trình tự, thủ tục tăng vốn điều lệ; trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu; trách nhiệm hội đồng thành viên, chủ tịch hội đồng thành viên, trách nhiệm của Chính phủ và các bộ ngành…