Nguồn: SSI
PNJ công bố tài liệu Đại hội cổ đông (ĐHCĐ) với kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận chậm lại trong năm 2025 (1,96 nghìn tỷ đồng, -7% svck). Điều này phản ánh những khó khăn mà các doanh nghiệp bán lẻ trang sức liên tục phải đối mặt do tình trạng thiếu hụt nguyên liệu vàng, khiến cho việc chuyển chi phí nguyên liệu cao sang khách hàng (thường có xu hướng giữ vàng miếng/nhẫn hơn vàng trang sức trong bối cảnh giá vàng tăng) trở nên khó khăn hơn. Do đó, chúng tôi điều chỉnh ước tính lợi nhuận ròng xuống 2,24 nghìn tỷ đồng (+6% svck, từ 2,5 nghìn tỷ đồng). Ước tính lợi nhuận năm 2025 của chúng tôi cao hơn kế hoạch của PNJ do chúng tôi cho rằng công ty có quan điểm khá thận trọng khi thiết lập mục tiêu. Chúng tôi đưa ra giá mục tiêu mới đối với PNJ là 97.500 đồng/cổ phiếu, và duy trì khuyến nghị MUA với tiềm năng tăng giá là 44%. Trong ngắn hạn, PNJ có thể bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu hụt nguyên liệu vàng và tác động gián tiếp từ mức thuế quan lên đến 46% của Mỹ. Tuy nhiên, định giá hiện tại của cổ phiếu khá hấp dẫn, với mức P/E 2025 dự phóng là 12x, thấp hơn nhiều so với mức trung bình 16,5x trong 3 năm qua.
Quan điểm dài hạn: Việc sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP (dự kiến trong tháng 9/2025) được kỳ vọng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng dài hạn cho các doanh nghiệp bán lẻ trang sức. Các nhà sản xuất trang sức hiện đang bị hạn chế nhập khẩu nguyên liệu vàng từ nước ngoài, và chỉ dựa vào nguồn cung trong nước, vốn đã gần như không đổi kể từ năm 2012. Điều này gây những thách thức đáng kể cho doanh nghiệp bán lẻ trang sức gia tăng thị phần, mặc dù còn nhiều cơ hội để các doanh nghiệp này mở rộng thị phần.
Rủi ro: Chi tiêu cho trang sức phục hồi chậm hơn dự kiến.