Tổng CTCP Vận tải Dầu khí (PVT) công bố KQKD sơ bộ năm 2024 với doanh thu đạt 12 nghìn tỷ đồng (+26% YoY) và LNTT đạt 1,8 nghìn tỷ đồng (+16% YoY). VCSC cho rằng mức tăng trưởng mạnh này nhờ vào các yếu tố chính sau:
1. Giá cước tàu tăng cao trong năm 2024: Nhờ nhu cầu vận chuyển tấn-dặm tăng vượt nguồn cung tàu. Trong năm 2024 tính đến thời điểm hiện tại, giá cước tàu chở dầu thô/sản phẩm dầu/hóa chất toàn cầu đã tăng lần lượt 3,1%/3,9%/11,0%.
2. Mở rộng đội tàu: Với việc mua thêm 7 tàu mới trong năm 2023 và tám tàu trong 11T 2024, vượt dự báo trước đó của VCSC là 7 tàu cho năm 2024. VCSC ước tính công suất đội tàu của PVT đạt 1,4 triệu DWT trong năm 2024 (+29% YoY) so với 1,1 triệu DWT của năm 2023 (+30% YoY), tạo nền tảng vững chắc cho tăng trưởng lợi nhuận trong năm 2024 và 2025.
Kết quả sơ bộ 2024 của PVT hoàn thành 100% kế hoạch doanh thu và 88% kế hoạch LNTT cả năm của VCSC. Theo dữ liệu lịch sử, lợi nhuận thực tế của PVT thường cao hơn kết quả sơ bộ trung bình 17% trong 3 năm qua. Do đó, VCSC dự báo thay đổi không đáng kể trong các ước tính hiện tại, dù cần thêm đánh giá chi tiết.
PVT cũng công bố kế hoạch năm 2025, với kỳ vọng doanh thu đạt 10,3 nghìn tỷ đồng (+17% so với kế hoạch 2024) và LNTT đạt 1,2 nghìn tỷ đồng (+26% so với kế hoạch 2024). Các con số này tương đương 72% và 48% so với dự báo doanh thu và LNTT năm 2025 của VCSC. VCSC nhận thấy đây là các con số tương đối thận trọng khi mà PVT đã vượt kế hoạch LNTT trung bình 2,1 lần trong 10 năm qua. Ngoài ra, mức tăng trưởng LNTT 26% YoY trong kế hoạch 2025 cao gấp 2,6 lần mức tăng trưởng trung bình 10% của giai đoạn 2017-2023, cho thấy sự tự tin của ban lãnh đạo vào triển vọng 2025, được hỗ trợ bởi việc mở rộng đội tàu tích cực trong giai đoạn 2023-2024.
Hiện VCSC có khuyến nghị MUA đối với cổ phiếu PVT với giá mục tiêu 37.300 đồng/cổ phiếu.
Nguồn: VCSC