Khái niệm quy tắc xuất xứ

Theo định nghĩa của Britannica, trong thương mại quốc tế, quy tắc xuất xứ là các tiêu chuẩn pháp lý giúp xác định và áp dụng chế độ đối xử khác nhau đối với hàng hóa, tùy theo quốc gia hoặc khu vực xuất xứ của chúng.

Mục đích của quy tắc xuất xứ là làm rõ các khía cạnh của luật thương mại và chính sách thương mại có liên quan đến việc đối xử khác nhau với hàng hóa, tùy theo quốc gia xuất xứ.

Ví dụ, các biện pháp như hạn ngạch, thuế chống trợ cấp và thuế chống bán phá giá có thể được dùng để nhắm vào hàng nhập khẩu từ một nước sản xuất cụ thể.

Trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), hàng hóa từ các quốc gia thành viên thường chịu rào cản thương mại thấp hơn khi xuất khẩu sang thị trường các nước thành viên khác, so với hàng hóa từ các nước không được hưởng quy chế tối huệ quốc.

Ngoài ra, nhiều hiệp định thương mại song phương và khu vực còn miễn trừ cho hàng hóa của các nước thành viên khỏi các yêu cầu khác nhau.

Hai loại quy tắc xuất xứ

Quy tắc xuất xứ được chia thành hai loại: ưu đãi và không ưu đãi.

Quy tắc xuất xứ ưu đãi thường áp dụng trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) như Hiệp định Mỹ - Mexico - Canada (USMCA) hoặc các hiệp định song phương và đa phương.

Quy tắc xuất xứ ưu đãi có ý nghĩa quan trọng, bởi chúng đảm bảo rằng chỉ hàng hóa từ các đối tác đủ điều kiện mới được hưởng ưu đãi thuế theo các cam kết trong FTA.

Trong khi đó, quy tắc xuất xứ không ưu đãi được áp dụng đối với hàng nhập khẩu từ tất cả các quốc gia mà nước nhập khẩu có quan hệ thương mại bình thường và phù hợp với các nghĩa vụ của WTO.

Quy tắc xuất xứ không ưu đãi được dùng để thu thập dữ liệu, xác định mức thuế quan hay thi hành các luật thương mại (ví dụ luật chống bán phá giá).

Mỹ có quan hệ bình thường với mọi thành viên WTO, trừ những nước tham gia FTA với Mỹ hoặc được hưởng hình thức ưu đãi thương mại khác từ Mỹ.

Cách Mỹ áp dụng quy tắc xuất xứ trong thực tiễn

Việc xác định xuất xứ khá đơn giản nếu hàng hóa được sản xuất hoàn toàn tại một quốc gia. Tuy nhiên, nếu hàng hóa trải qua các công đoạn chế biến, đóng gói tại những nước khác thì việc xác định sẽ trở nên phức tạp hơn.

Đối với Mỹ, trong trường hợp thứ hai, việc áp dụng quy tắc xuất xứ sẽ được chia thành hai trường hợp khác: thứ nhất là với các đối tác tham gia FTA với Washington và thứ hai là với những đối tác không tham gia.

Với những nước ký kết FTA với Mỹ, nguồn gốc hàng hóa được quy định bởi FTA. Lấy ví dụ về ô tô, một mặt hàng thường trải qua công đoạn lắp ráp, chế tạo tại nhiều nước để có thể tạo ra sản phẩm hoàn chỉnh.

Ô tô được coi là có xuất xứ theo thoả thuận USMCA nếu đáp ứng ba tiêu chí sau: ít nhất 75% linh kiện có nguồn gốc từ Mỹ, Mexico hoặc Canada; khoảng 40 - 45% giá trị của xe được sản xuất bởi lao động có mức lương tối thiểu 16 USD/giờ; và ít nhất 70% lượng thép và nhôm sử dụng trong xe có xuất xứ từ Bắc Mỹ.

Khi ông Trump đánh thuế quan vào Mexico và Canada hồi đầu năm nay, ô tô đáp ứng các yêu cầu của USMCA thuộc diện những sản phẩm được miễn mức thuế 25%.

Với những quốc gia còn lại, Mỹ sử dụng tiêu chí chuyển đổi cơ bản (substantial transformation).

Chuyển đổi cơ bản có nghĩa là hàng hóa trải qua sự thay đổi đáng kể về hình thức, mẫu mã, tính chất hoặc đặc điểm thông qua gia công hoặc sản xuất tại một quốc gia. Sự thay đổi này cũng làm tăng giá trị của hàng hóa lên một mức đáng kể so với giá trị ban đầu từ nước xuất khẩu đầu tiên.

Ví dụ, đường từ quốc gia A, bột mì từ quốc gia B, các sản phẩm từ sữa từ quốc gia C và các loại hạt từ quốc gia D được đưa đến quốc gia E. Tại quốc gia E, các sản phẩm này được chế biến thành bánh quy.

Trường hợp này đáp ứng tiêu chí “chuyển đổi cơ bản”, vì đã tạo ra một sản phẩm hoàn toàn mới là bánh quy.

Hoạt động đóng gói lại, pha loãng với nước thường không gây ra sự chuyển đổi cơ bản. Việc lắp ráp hoặc tháo rời cũng có thể được coi là chuyển đổi cơ bản, tùy vào đặc điểm của sản phẩm và mức độ phức tạp của quá trình thao tác.

Hậu quả khi vi phạm quy tắc xuất xứ

Khi hàng hóa khai sai xuất xứ và bị các nhà chức trách phát hiện, chúng có thể bị chuyển qua khung thuế cao hơn, bị giữ lại để kiểm tra, làm phát sinh chi phí lưu kho, hoặc bị phạt. Hình phạt và mức phạt cụ thể phụ thuộc vào luật lệ và quy định của từng quốc gia.

Trong trường hợp nghiêm trọng, doanh nghiệp và các cá nhân liên quan có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Vào năm 2015, ông Tok Beng Tong, Giám đốc công ty Interasia SHH, bị các nhà chức trách Singapore phạt 434.000 USD vì đã gian dối trong hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận xuất xứ, cũng như giấy phép nhập khẩu và xuất khẩu.

Các nhà điều tra phát hiện rằng ông Tok đã nhập khẩu các thùng dây kéo và thanh trượt từ Trung Quốc và sau đó tái xuất khẩu số hàng này sang nhiều quốc gia ở châu Âu. Tuy nhiên, khi xin giấy phép xuất khẩu, ông khai báo quốc gia xuất xứ của hàng hóa là Indonesia, mặc dù biết rõ nguồn gốc của chúng là Trung Quốc.

Gần đây hơn, Anh đã củng cố việc thực thi quy tắc xuất xứ khi ban hành các quy định hải quan mới vào năm 2024.

Thông thường, nhà nhập khẩu là bên phải đảm bảo về tính chính xác của chứng nhận xuất xứ. Nếu xảy ra sai phạm, nhà nhập khẩu sẽ phải đóng thuế tương ứng và có thể cần nộp phạt. Các quy định mới của Anh đem lại thay đổi lớn, buộc bên cung cấp chứng nhận xuất xứ - thường là nhà xuất khẩu hoặc nhà cung ứng - phải chịu trách nhiệm vì các tuyên bố của họ.

Cụ thể, các nhà xuất khẩu không thông báo cho nhà nhập khẩu về các lỗi quan trọng trong chứng nhận xuất xứ có thể phải chịu mức phạt tối đa 1.000 bảng Anh.

Tuy nhiên, quy định này chỉ áp dụng với một số hiệp định thương mại cụ thể mà Anh đã ký kết với các đối tác.