Trong vụ việc 3.000 tấn giá đỗ ngâm hoá chất được tuồn ra thị trường tại Đắk Lắk, một cơ sở khai nhận rằng có ký hợp đồng cung cấp cho Bách Hoá Xanh từ 350 - 400 kg/ngày.
Theo thông cáo từ phía Bách Hoá Xanh, nhà bán lẻ này xác nhận cơ sở sản xuất Lâm Đạo cung cấp giá đỗ cho các cửa hàng của chuỗi tại khu vực Đắk Lắk với tỷ lệ 2% trên tổng sản lượng.
Đồng thời, Bách Hoá Xanh nói đã lập tức thu hồi và ngưng bán toàn bộ hàng hóa của nhà cung cấp này cũng như tiến hành kiểm nghiệm lại tất cả sản phẩm giá đỗ đang cung cấp cho chuỗi.
Thực tế đây không phải lần đầu tiên hệ thống bán lẻ tạp hoá của Đầu tu Thế Giới Di Động (mã: MWG) vướng lùm xùm về thực phẩm không đảm bảo an toàn. Năm 2022, Bách Hoá Xanh đã phải lên tiếng xin lỗi, thu hồi và dừng bán toàn bộ mặt hàng nấm từ một nhà cung cấp sau khi đơn vị này được cho là nhập nấm Trung Quốc về gắn mác VietGap.
Trong các năm 2019, 2024, một số cơ sở Bách Hoá Xanh tại các địa phương như Đồng Nai, Đà Lạt cũng đều bị cơ quan chức năng “tuýt còi” vì vi phạm an toàn thực phẩm.
Quy trình kiểm soát chất lượng của Bách Hoá Xanh
Trong Báo cáo về phát triển bền vững, Đầu tư Thế Giới Di Động nhấn mạnh chất lượng là một trong những yếu tố sống còn của doanh nghiệp. Trong đó họ nói rằng sẽ xử lý đến cùng nguồn gốc xuất hiện của sản phẩm không đạt chất lượng trong Bách Hoá Xanh. Cam kết “không đưa vào tay khách hàng bất kỳ sản phẩm nào mà bạn [nhân viên MWG] không sẵn lòng sử dụng cho chính mình do lo ngại về chất lượng”.
Trước đó, phía doanh nghiệp khẳng định mỗi sản phẩm bán ra luôn được tuyển chọn theo quy trình nghiêm ngặt đảm bảo chất lượng và an toàn sản phẩm.
Bách Hoá Xanh đã có loạt quy trình kiểm tra, rà soát chất lượng sản phẩm trước khi đưa vào hệ thống như:
Kiểm tra đầu vào: Hàng hoá được kiểm tra hồ sơ chất lượng và mẫu, tem nhãn theo các quy định hiện hành trước khi sản phẩm được đưa vào hệ thống của Bách Hóa Xanh. Ngoài ra, Công ty có thêm bộ tiêu chuẩn để đánh giá chất lượng ngoại quan của sản phẩm.
Kiểm tra định kỳ: Tất cả các hàng hoá thực phẩm được kiểm tra định kỳ, tuân thủ các quy định về chất lượng của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Bộ phận QC thực hiện “test nhanh” tại kho định kỳ: Dư lượng bảo vệ thực vật, hàn the, formol, kháng sinh… nhằm đảm bảo chất lượng hàng hoá đến tay khách hàng.
Kiểm tra thông qua bên thứ 3: Sản phẩm cũng được gửi định kỳ cho Trung tâm bên thứ 3 kiểm tra để đảm bảo độ khách quan. Trung tâm bên thứ 3 phải đáp ứng tiêu chuẩn ISO 17025.
Ngoài ra, họ cũng là chủ nhân của Sáng kiến “Thoả thuận trách nhiệm của hệ thống phân phối các nhà bán lẻ tại Việt Nam”, được nhiều doanh nghiệp tham gia và dưới sự quản lý của Sở Công Thương TP HCM.
Theo Bách Hoá Xanh, Sáng kiến này nhằm giúp bảo vệ sức khỏe khách hàng và ngăn chặn thực phẩm không an toàn được đưa vào các hệ thống phân phối tại TP HCM.
Làm việc với nhà cung cấp để có giá rẻ
Trong Báo cáo Thường niên 2019 của Đầu tư Thế Giới Di Động, công ty cho biết đã tìm ra “công thức chiến thắng” cho Bách Hoá Xanh sau 4 năm thành lập. Doanh nghiệp cho biết đó là cải thiện lợi nhuận gộp thông qua việc tích cực làm việc với các nhà cung cấp hàng tiêu dùng nhanh (FMCGs) để có giá mua rẻ hơn, chính sách khuyến mãi cho khách hàng hấp dẫn hơn và triển khai các chương trình marketing tốt hơn. Cùng với đó, rà soát quy trình xử lý và tăng hiệu quả các khâu trong chuỗi cung ứng hàng tươi sống.
Khi đó, ban lãnh đạo tập đoàn đặt ra mục tiêu trễ nhất đến cuối tháng 12/2019, chuỗi Bách hóa Xanh bắt đầu có lợi nhuận trực tiếp, tức là bù đắp hoàn toàn được tất cả các chi phí hoạt động tại cửa hàng và các trung tâm phân phối, nhưng chưa bao gồm các chi phí quản lý ở cấp độ công ty.
Nói về chuỗi bán lẻ tạp hoá này, ông Nguyễn Đức Tài từng có phát ngôn nổi tiếng từ năm 2016 vẫn được tìm thấy trên website của Bộ Kế hoạch & Đầu tư đăng tải lại rằng: “Thế Giới Di Động không phải là bếp ăn từ thiện để nuôi Bách Hoá Xanh”.
Vậy nhưng, phải đến quý II năm nay chuỗi Bách Hoá Xanh mới ghi nhận khoản lãi đầu tiên là 7 tỷ đồng.
Báo cáo mới công bố từ Đầu tư Thế Giới Di Động cho thấy lũy kế 11 tháng, Bách Hoá Xanh đạt gần 37.400 tỷ đồng doanh thu, tăng 32% so với cùng kỳ nhờ đóng từ ngành hàng tươi sống và FMCG (tiêu dùng nhanh).
Riêng tháng 11, doanh thu Bách Hoá Xanh đạt hơn 3.500 tỷ đồng. Doanh thu bình quân trong tháng khoảng hơn 2 tỷ đồng/cửa hàng - quay trở lại mức đỉnh ghi nhận được vào tháng 7/2021 - thời điểm người dân tích trữ thực phẩm vì dịch COVID-19.
Trong năm nay, Bách Hoá Xanh đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu trung bình mỗi cửa hàng và tối ưu chi phí. Chuỗi có kế hoạch mở mới 100 cửa hàng và chuẩn bị kế hoạch mở rộng ra miền Trung, miền Bắc. Lãnh đạo Bách Hóa Xanh nói tự rằng có thể đạt lợi nhuận nghìn tỷ đồng trong vài năm tới.
Trước đó, ngày 9/4, công ty đầu tư Trung Quốc CDH Investments thông báo đã hoàn thành thương vụ mua cổ phần thiểu số tại Bách Hoá Xanh. Theo một hồ sơ Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM gửi cho CDH mà Reuters tiếp cận được, giá trị thương vụ là 1.800 tỷ đồng, tương đương hơn 72 triệu USD và chiếm 5% vốn điều lệ Bách Hoá Xanh.