Tổng Công ty Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco - Mã: SAB) thông báo mua xong toàn bộ hơn 37,8 triệu cổ phiếu Tập đoàn Bia Sài Gòn Bình Tây (Sabibeco - Mã: SBB) như đăng ký, từ ngày 31/10 đến 25/12.

Thực tế, có 276 nhà đầu tư Sabibeco đăng ký bán đến 50,3 triệu cổ phiếu SBB, cao hơn 33% so với khối lượng chào mua.

Như vậy, sau giao dịch trên, Sabeco nâng tổng sở hữu lên 57,7 triệu cổ phiếu SBB, tương đương với 65,9% vốn điều lệ và chính thức trở thành công ty mẹ của Sabibeco (con số này bao gồm 6,3% cổ phần do CTCP Rượu Bình Tây nắm giữ).

Giá chào mua là 22.000 đồng/cổ phiếu, tương đương với số tiền chi ra gần 832 tỷ đồng. Mức giá này cao hơn gần 20% so với 18.500 đồng/cổ phiếu hôm 25/12. Cổ phiếu SBB thậm chí còn đang giảm mạnh gần đây về dưới 14.000 đồng.

Thương vụ thâu tóm Sabibeco - chủ thương hiệu bia Sagota - được Sabeco tiết lộ từ đầu năm 2023, nhưng phải mất gần hai năm để đi đến những bước cuối cùng.

Sabeco đối mặt với áp lực giảm thị phần đáng kể từ mức 42% xuống còn 33,9% trong giai đoạn 2018-2023 do vấp phải cạnh tranh từ đối thủ ngoại, theo số liệu từ Euromonitor.

Các hãng bia ngoại không ngừng nâng cao mức độ nhận diện thương hiệu và sở hữu danh mục sản phẩm đa dạng. Thị hiếu của người tiêu dùng cũng đang dần thay đổi, tăng tiêu thụ các dòng bia cao cấp với đa dạng hương vị. Sabeco lại có danh mục ít đa dạng hơn so với phân khúc bia trung cấp, vốn thuộc các dòng sản phẩm lâu đời.

Sabibeco được thành lập từ năm 2005, hiện có 6 nhà máy bia với tổng công suất hơn 600 triệu lít bia mỗi năm. Doanh nghiệp này được biết đến với nhãn hiệu bia Sagota và cũng là đơn vị đang sản xuất bia không cồn.

Những năm gần đây, chủ thương hiệu bia Sagota ghi nhận khoảng 2.000 tỷ đồng doanh thu mỗi năm, nhưng liên tục báo lỗ. Năm 2023, công ty này lỗ ròng hơn 150 tỷ đồng do biên lợi nhuận gộp thu hẹp, doanh thu không đủ bù đắp chi phí.

Trong báo cáo 9 tháng đầu năm nay, công ty lỗ tiếp 88 tỷ đồng. Điều này khiến đơn vị xuất hiện khoản lỗ lũy kế 82 tỷ đồng trên bảng cân đối kế toán.

Sabibeco cũng ghi nhận nhiều giao dịch với Sabeco, với vai trò trước đây là bên liên quan. Hai năm gần đây, doanh nghiệp này chi ra khoảng 1.200-1.300 tỷ đồng mua hàng hóa, nguyên vật liệu từ Sabeco, đồng thời ghi nhận doanh thu bán hàng 1.600-1.700 tỷ đồng.

Theo phân tích của SSI Research, với việc nắm giữ 65,9% cổ phần, Sabeco sẽ chính thức hợp nhất kết quả kinh doanh của Sabibeco vào các báo cáo tài chính từ 2025 trở đi. Doanh thu của Sabibeco chiếm khoảng 6% so với quy mô tổng công ty.

Chuyên gia lưu ý rằng việc hợp nhất chủ thương hiệu Sagota sẽ không tác động đáng kể đến lợi nhuận ròng của Sabeco trong ngắn hạn, ở mức 1-2% nhưng lợi ích lớn nhất từ việc này là có thể mở rộng năng lực sản xuất dây chuyền đóng gói.

Tổng công ty có thể phân bổ khối lượng sản xuất cao hơn cho Sabibeco khi đã trở thành công ty con. SSI kỳ vọng tổng công ty sẽ ghi nhận khoản lợi nhuận tiềm năng một lần từ hoạt động tài chính trong nửa đầu năm 2025 do định giá lại khoản đầu tư.

Chứng khoán Agribank đánh giá hoạt động M&A này giúp Sabeco tăng 25% công suất thiết kế, trở thành công ty sản xuất bia lớn nhất cả nước với công suất hơn 3 tỷ lít/năm. Việc này cũng giúp tăng nhẹ thị phần, tối ưu kênh phân phối và chi phí, nâng hiệu suất kinh doanh chung.