Nikkei Asia dẫn nguồn tin trong ngành cho biết sản lượng cao su tại Thái Lan, quốc gia sản xuất cao su lớn nhất thế giới, dự kiến giảm mạnh trong tháng 12 do mưa gió mùa kéo dài và lũ lụt ở khu vực miền Nam làm gián đoạn hoạt động khai thác mủ.

Ông Sukthat Tangviriyakul, Phó Thống đốc Cơ quan Cao su Thái Lan (RAOT), cho biết mưa lớn đã ảnh hưởng đến 11 tỉnh miền Nam, khu vực trồng cao su chính chiếm khoảng 80% trong tổng sản lượng hàng năm 4,8 triệu tấn của Thái Lan.

“Mưa lớn đã gây ra lũ quét bao phủ 5,5 triệu rai (tương đương 8.800 km²), làm giảm khoảng 140.000 tấn cao su (dạng tấm cao su và cao su xông khói) trong tháng 12,” ông Sukthat cho biết.

Mức sụt giảm này tương đương gần 30% so với dự báo sản lượng 500.000 tấn trong tháng 12 của RAOT.

Thông thường, thời tiết vào tháng 12 khá thuận lợi, cho phép nông dân khai thác mủ cao su để sản xuất tấm cao su xông khói phục vụ xuất khẩu. Tuy nhiên, năm nay, hiện tượng La Niña cực đoan do biến đổi khí hậu đã gây mưa lớn và lũ quét, làm gián đoạn khai thác và giảm mạnh nguồn cung cao su.

Theo Cục Phòng chống và Giảm nhẹ Thiên tai thuộc Bộ Nội vụ Thái Lan, mưa lớn tại 11 tỉnh miền Nam đã khiến 53 người thiệt mạng và ảnh hưởng đến 780.272 hộ gia đình từ ngày 22/11 đến 25/12.

“Mưa là trở ngại lớn khi tác động đến nhiều tỉnh, các khu vực trồng cao su trọng điểm của Thái Lan, làm gián đoạn khai thác trong nhiều tuần,” ông Vorathep Wongsasuthikul, Chủ tịch Tập đoàn Cao su Latex Thái Lan, chia sẻ với Nikkei Asia.

Một số khu vực bị lũ lụt nặng vẫn ngập sâu, nước tồn đọng kéo dài hơn ba tuần. Những khu vực này dự kiến chịu thiệt hại lớn hơn khi cây cao su bị chết, buộc các đồn điền phải trồng lại. Trong khi đó, cây cao su thường cần 5 đến 7 năm để trưởng thành và có thể khai thác mủ.

Nguồn cung giảm đã đẩy giá cao su tăng, theo các nhà giao dịch. Giá tấm cao su chưa xông khói, được nông dân sản xuất từ mủ và bán cho các nhà máy để xuất khẩu, hiện được báo giá ở mức 65,9 baht (1,9 USD) mỗi kg, tăng từ 49 baht cùng kỳ năm ngoái.

Các trận lũ lớn xảy ra tại năm tỉnh miền Nam tuần trước có thể gây thiệt hại lên tới 20 tỷ baht, tờ The Nation dẫn thông tin từRAOT.

Ông Sukthat Tangwiriyakul, Quyền Thống đốc củaRAOT, nhận định rằng nông dân sẽ không thể khai thác mủ cao su trong vòng một tháng rưỡi tới, dẫn đến thiệt hại khoảng 20 tỷ baht doanh thu. Con số này được tính toán dựa trên giá mủ cao su hiện tại là 65 baht mỗi kg. Ngoài ra, RAT sẽ hỗ trợ 3.000 baht cho các nông dân đã đăng ký trang trại với cơ quan này.