Tại họp báo thường kỳ chiều 7/1, ông Mai Sơn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) cho biết theo quy định, tổ chức, cá nhân không phân biệt nổi tiếng hay không, phải tự kê khai, nộp thuế nếu có nguồn thu từ kinh doanh.

"Họ phải chịu trách nhiệm về nghĩa vụ ngân sách Nhà nước", ông Sơn nói.

Lãnh đạo cơ quan thuế cho biết họ theo dõi, giám sát, tăng biện pháp quản lý về thuế với một số trường hợp người nổi tiếng, người có ảnh hưởng (KOL, KOC) tham gia livestream bán hàng, tiếp thị liên kết. Trong số này, ngành thuế "lọc" danh sách người nổi tiếng có phát sinh doanh thu lớn từ livestream bán hàng, để đưa vào diện phân loại rủi ro, thanh kiểm tra.

Cùng với nhóm này, số cá nhân kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử trong diện rà soát khoảng 76.428 người. Cơ quan thuế đã xử lý vi phạm 30.029 cá nhân, truy thu và xử phạt 1.223 tỷ đồng.

Vừa qua, ngành thuế tập trung rà soát tại Hà Nội và TP HCM - hai địa phương phát triển mạnh về dịch vụ, giải trí và nhiều người nổi tiếng kinh doanh trên nền tảng số, thương mại điện tử. Theo đó, Cục thuế TP HCM lập tổ khai thác danh sách cá nhân là người nổi tiếng, sáng tạo nội dung bán hàng, livestream trên nền tảng xã hội để đưa vào diện kiểm tra thuế năm nay. Trong đợt rà soát đầu tiên, cơ quan thuế xác định 35 nghệ sĩ, người nổi tiếng kinh doanh trên các nền tảng số, sàn thương mại điện tử thuộc diện phải kê khai, nộp thuế.

Ngoài ra, nhiều người nổi tiếng bán hàng, kinh doanh online tự giác đăng ký, nộp thuế. Chẳng hạn, tại TP HCM, một hoa hậu đã nộp thuế 4,7 tỷ đồng.

Tại Hà Nội, cơ quan thuế xác định tổng doanh thu từ hoạt động thương mại điện tử của nhóm người nổi tiếng khoảng 900 tỷ đồng trong năm ngoái. Số thuế họ đã nộp khoảng 13 tỷ đồng.

Hiện cả nước có gần 725.000 tổ chức, cá nhân kinh doanh trên sàn thương mại điện tử, tổng giá trị giao dịch hơn 75.000 tỷ đồng, theo dữ liệu từ 439 sàn cung cấp cho cơ quan thuế. Thu thuế từ lĩnh vực này liên tục tăng trong 3 năm qua. Cụ thể, số thu năm 2024 khoảng 116.000 tỷ đồng, tăng đáng kể so với mức 83.000 - 97.000 tỷ đồng ghi nhận trong hai năm trước đó.

Cơ quan thuế cũng xây dựng cổng thông tin điện tử để cá nhân kê khai nộp thuế. Họ cũng kết nối chia sẻ dữ liệu từ các bộ ngành, sàn bán hàng online để có đủ cơ sở dữ liệu của người nộp thuế. "Cơ quan thuế có thể trích xuất dữ liệu về người nộp thuế từ các sàn Sendo, Lazada, Shopee, TikTok Shop để rà soát kê khai, đối chiếu và xử lý vi phạm", ông Sơn nói.

Năm ngoái, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam ước vượt mốc 25 tỷ USD, tăng 20% so với 2023.

Ngoài các cá nhân kinh doanh trên thương mại điện tử, cơ quan thuế cũng siết quản lý thu từ các nhà cung cấp nước ngoài. Hiện có 123 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký thuế qua cổng thông tin điện tử.

Lũy kế từ tháng 3/2022 - thời điểm cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài vận hành, các doanh nghiệp ngoại đã nộp khoảng 20.000 tỷ đồng. Trong đó, nhóm Meta (Facebook), Google, Microsoft, TikTok, Netflix, Apple... giữ khoảng 90% thị phần doanh thu dịch vụ thương mại điện tử xuyên biên giới tại Việt Nam.