Theo tài liệu họp ĐHĐCĐ bất thường, hội đồng quản trị VPS dự trình thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2025 với mục tiêu lãi trước thuế hợp nhất 3.500 tỷ đồng. Con số này gấp 2,3 lần kế hoạch 1.500 tỷ đồng của năm 2024, và dự kiến là mức lợi nhuận cao nhất lịch sử hoạt động của công ty chứng khoán này.

Theo báo cáo tài chính quý III, VPS đã vượt kế hoạch năm 2024 sau 9 tháng với lãi trước thuế hơn 2.100 tỷ đồng, gấp 3,6 lần cùng kỳ. Kết quả tăng trưởng đến chủ yếu từ việc tiết giảm chi phí.

Về huy động vốn, hội đồng quản trị muốn thông qua kế hoạch chào bán trái phiếu ra công chúng với quy mô 5.000 tỷ đồng, thực hiện trong năm 2025 - 2026.

Đồng thời, phía công ty còn dự trình thông qua kế hoạch chào bán trái phiếu chuyển đổi riêng lẻ trong năm 2025, nhằm cơ cấu lại các khoản nợ với giá trị tối đa 7.000 tỷ đồng, kỳ hạn lên đến 6 tháng.

Trái phiếu chuyển đổi riêng lẻ có kỳ hạn tối đa 2 năm kể từ ngày phát hành, thuộc loại chuyển đổi, không có tài sản bảo đảm, không kèm chứng quyền, được thanh toán lãi định kỳ và thanh toán gốc một lần khi đến hạn.

Cũng theo báo cáo tài chính, tại thời điểm 30/9, VPS ghi nhận nợ phải trả gần 18.363 tỷ đồng, tăng 36% so với đầu năm. Trong đó, vay ngắn hạn và vay dài hạn chiếm lần lượt 17.383 tỷ đồng và 139 tỷ đồng.

Bên cạnh hai nội dung trên, tại cuộc họp lần này, hội đồng quản trị còn trình việc miễn nhiệm Thành viên Ban kiểm soát đối với bà Lê Thu Minh (Trưởng Ban kiểm soát) và bầu bổ sung người thay thế cho nhiệm kỳ 2020 - 2025. Trước đó, ngày 23/12, bà Lê Thu Minh đã có đơn từ nhiệm vì lý do cá nhân.

Ngoài ra, VPS cũng muốn cổ đông thông qua việc thay đổi trụ sở chính trong năm 2025, từ khu văn phòng số 65 Cảm Hội, phường Đống Mác, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội sang số 136 Trần Thủ Độ, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội.

Theo báo cáo thường niên 2023, tại cuối năm 2023, VPS có tổng số cổ phần đang lưu hành hơn 570 triệu cp. Trong đó, cổ phần phổ thông chiếm 317 triệu cp, còn cổ phần ưu đãi cổ tức chiếm 253 triệu cp. Về cơ cấu sở hữu, cổ đông tổ chức trong nước và cổ đông cá nhân trong nước nắm lần lượt 46,2% và 53,8%.