Chiều 7/1, Việt Nam SuperPortTM đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác chiến lược với Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông Vận tải (thuộc Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam) và Công ty TNHH Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc 16 Việt Nam (thuộc Tập đoàn Xây dựng công trình đường sắt Trung Quốc) phát triển hạ tầng logistics đường sắt.
Theo đánh giá của các chuyên gia, Việt Nam đang ở thời điểm then chốt, chuẩn bị cho sự phát triển mang tính cách mạng của ngành logistics., nhu cầu về các dịch vụ logistics nhanh chóng, hiệu quả hơn tiếp tục tăng trưởng. Điều này đòi hỏi ngành logistics cần phải đổi mới và nỗ lực gia tăng khả năng cạnh tranh một cách cấp thiết.
Với việc hợp tác cùng Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông vận tải, SuperPort Việt Nam sẽ triển khai chiến lược phát triển mạng lưới đường sắt quốc gia. Hai bên sẽ hợp tác nghiên cứu chiến lược phát triển các tuyến đường sắt, nhà ga mới kết nối với Việt Nam SuperPort nhằm nâng cao năng lực hậu cần.
Theo đó, Việt Nam SuperPort được định vị là trung tâm trung chuyển chủ lực dọc theo tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh. Sáng kiến này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa hiệu quả, tiết kiệm tại Việt Nam và xuyên biên giới.
Bên cạnh quan hệ đối tác với Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông vận tải, Việt Nam SuperPort cũng ký kết biên bản ghi nhớ với Công ty TNHH Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc 16 Việt Nam - doanh nghiệp do Công ty TNHH Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc 16 giữ 100% vốn sở hữu.
Với việc hợp tác cùng Đường sắt Trung Quốc 16, Việt Nam SuperPort sẽ xây dựng một tuyến đường sắt kết nối từ siêu cảng ở Vĩnh Phúc với đường sắt quốc gia Việt Nam; phục vụ cho các dịch vụ hậu cần và vận chuyển hàng hóa xuyên biên giới Việt Nam – Trung Quốc cũng như các quốc gia khác trong khu vực.
Tại đây, Việt Nam SuperPort sẽ cung cấp các giải pháp hậu cần tích hợp bao gồm: lên kế hoạch, xử lý hàng hóa, quản lý kho vận, phân phối, vận chuyển đa phương thức… từ đó; nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh của dịch vụ vận tải đường sắt.
Chia sẻ thêm về dự án này, TS. Yap Kwong Weng, CEO Việt Nam SuperPort cho biết, theo dự kiến, dự án này sẽ được thực hiện trong giai đoạn 2025 - 2030 với diện tích 83ha.
Nhà ga hàng hóa đường sắt tại Việt Nam SuperPort sẽ kết nối trực tiếp với Đường sắt Quốc gia Việt Nam và tuyến đường sắt Lào Cai–Hà Nội–Hải Phòng. Sự kết nối này sẽ đảm bảo việc vận chuyển hàng hóa hiệu quả và tạo ra một liên kết quan trọng với tuyến đường sắt xuyên biên giới Lào Cai–Hà Nội–Hải Phòng, kết nối Việt Nam với Côn Minh, Trung Quốc.
Mới đây, Ban Quản lý dự án đường sắt vừa có văn bản gửi Bộ GTVT xem xét, xin ý kiến các bộ, ngành để hoàn thiện và đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.
Tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng sẽ được đầu tư từ vốn vay ưu đãi của Chính phủ Trung Quốc, với khổ tiêu chuẩn 1.435 mmm, điện khí hóa, kết nối với Trung Quốc và khu vực cảng biển Hải Phòng. Tuyến có điểm đầu tại khu vực kết nối ray qua biên giới giữa ga Lào Cai (Việt Nam) và ga Hà Khẩu Bắc (Trung Quốc), điểm cuối tại cảng Lạch Huyện (Hải Phòng).
Chiều dài toàn tuyến 388,35km (đoạn ga Lào Cai - ga Cảng Lạch Huyện dài 383,24 km, đoạn ga Lào Cai - điểm nối ray dài 5,11 km), tuyến nhánh nối cảng Nam Hải Phòng và Nam Đình Vũ dài 7,89 km, tuyến nhánh nối ga Yên Thường và ga Yên Viên dài 2,18 km. Trên tuyến có 30 ga, với 3 ga lập tàu, 19 ga hỗn hợp và 8 ga kỹ thuật; đi qua 9 tỉnh, thành phố: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng.