Bắt đầu năm mới âm lịch với những thông tin không mấy suôn sẻ từ các thị trường tài chính toàn cầu, khi sắc đỏ bao phủ thị trường châu Á sau những biến động từ chính sách thương mại của Mỹ.
Cụ thể, Tổng thống Trump ký sắc lệnh áp thuế 10% với toàn bộ hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và 25% đối với hầu hết mặt hàng từ Canada cùng Mexico. Bên cạnh đó, EU có thể là đối tác thương mại tiếp theo bị đe dọa. Gần như ngay lập tức, các quốc gia, khu vực kể trên đều có hành động đe dọa trả đũa bằng các chính sách thuế quan (Canada, Mexico) lẫn phi thuế quan. Lo ngại về vòng xoáy trả đũa thương mại là điểm đáng ngại nhất mà các nhà kinh tế nhắc đến trong những ngày gần đây. Một điểm lưu ý nữa theo thống kê của HSC, những đối tác thương mại có thể coi là đồng minh với Mỹ cũng trở thành mục tiêu trong sắc lệnh lần này.
Bên cạnh lo ngại, một số ý kiến tạm cho rằng điểm tích cực là chưa thấy dấu hiệu Trump đưa ra những mức thuế “cào bằng” cho ROW (Rest of world) mà chủ yếu là các chính sách hướng tới trừng phạt các quốc gia cụ thể. Thậm chí một số quốc gia Đông Nam Á với mặt hàng xuất khẩu chủ đạo là máy móc, thiết bị có thể được hưởng lợi nếu không bị “chỉ tên”, khi 70% kim ngạch từ Mexico đang là các mặt hàng này.
Tuy nhiên, trên quan điểm thận trọng, StockLine cho rằng kịch bản lo ngại nhất trong bối cảnh này là không có kịch bản nào cả, khi những chính sách được đưa ra tương đối bất ngờ. Môi trường nhiều thông tin biến động bất thường như vậy thường là môi trường không dễ dàng cho hoạt động đầu tư. Trong nhiệm kỳ đầu tiên, Trump thường sử dụng đạo luật Thương mại (Mục 232 và 301), qua đó chỉ đạo Bộ Thương Mại Hoa Kỳ tiến hành điều tra, mất từ 6 tháng – 1 năm để ra thông báo cuối cùng. Cũng vì như vậy mà “Trade war” bắt đầu được nhắc tới sau khi nhậm chức 1 năm (đầu 2018). Lần này, Trump áp thuế thông qua Đạo luật Quyền lực kinh tế khẩn cấp và có hiệu lực gần như ngay lập tức. Tốc độ nhanh hơn, thời gian cho những đàm phán ngắn hơn, tính bất ngờ cao hơn là những điều đầu tiên được chứng kiến.
StockLine vẫn tin rằng, thị trường tựu chung của nhiều biến số. Đối với góc nhìn đầu tư trên TTCK Việt Nam năm 2025, bên cạnh rủi ro bên ngoài đang chứng kiến những ngày vừa qua, thị trường vẫn nguyên kỳ vọng về tăng trưởng kinh tế từ nội lực, có thể là các mặt đối lập khiến bức tranh thị trường phân hóa cao trong năm mới Ất Tỵ.