Tối qua 2/7 theo giờ Việt Nam, Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa có công bố thuế suất áp cho hàng hóa Việt Nam là 20%, và 40% cho các hàng hóa trung chuyển.
Trước khi nói đến tốt xấu, cần nhìn nhận khách quan rằng: (i) đây chưa phải là công bố chi tiết, chính thống giữa hai quốc gia về thỏa thuận thương mại; (ii) Nhưng Việt Nam là quốc gia thứ 3 đạt được thỏa thuận với Mỹ, ít nhất là trên nền tảng Truth Social, nằm ở mức trung bình so với Anh (10% - ít có giá trị tham chiếu khi mà Anh còn là quốc gia thặng dư thương mại với Mỹ), và Trung Quốc (30%); (iii) Chưa hiệu lực, chưa có các quy định quan trọng nhất về nguồn gốc xuất xứ để định nghĩa cụ thể khái niệm hàng hóa trung chuyển, (iv) Thỏa thuận nghĩa là hai chiều. Bên cạnh các con số thỏa thuận về thuế suất, các điều khoản giữa hai bên cũng cần được tính đến, nhưng một lần nữa chưa có những chi tiết để nói được mức độ xấu tốt.
Đối với góc nhìn của thị trường, điểm “tiêu cực” mà nhà đầu tư đang nhìn vào nằm ở:
- Kết quả không như kỳ vọng/tin đồn, trong khi phản ứng của thị trường những ngày qua thiên về những con số đáng mơ ước hơn nhiều từ các thông tin không chính thống.
- Và ngay cả thông tin hiện tại cũng chưa phải là thông tin chính thống, khi “giọng điệu” công bố thỏa thuận thương mại của Trump vẫn thường xuyên như vậy bất chấp mọi hoàn cảnh.
- Việc xác định khái niệm hàng hóa nào được coi là trung chuyển sẽ là mối quan tâm hàng đầu chứ không phải là mức thuế được áp dụng.
Điểm tốt cho góc nhìn dài hơn:
- Còn nhiều việc phải làm với ROO (Rules of origin), cũng có nghĩa là cần thời gian để đi vào hiệu lực. Khi Deadline 9/7 tới gần, Việt Nam – trong quá trình đàm phán, nhiều khả năng vẫn được áp dụng baseline tariff 10%, so với các nước khác có thể sẽ bị áp thuế đối ứng ở mức cao như dự kiến ban đầu. Ảnh hưởng lên nền kinh tế, các doanh nghiệp trong quý III là hạn chế, thậm chí tiếp tục tạo ra hiệu ứng Front-Loading.
- Trong thời gian gấp rút ban hành ROO, Việt Nam có sự chuẩn bị chủ động hơn, giảm thiểu ảnh hưởng, không còn bị động như sau ngày 2/4. StockLine cho rằng phản ứng của thị trường cũng như vậy, phân hóa dần mặc dù có thể phản ứng ban đầu có thể không khả quan trong ngắn hạn. Điểm tốt là một thị trường bớt tin bất thường hơn, những cổ phiếu không liên quan sẽ không còn lên xuống đồng loạt đồng loạt như sự kiện 2/4.
- Các yếu tố cơ bản khác của ngành nghề, doanh nghiệp không thay đổi, thông tin có thể không quá tích cực, nhưng điểm tốt là không còn quá nhiều bất định. Sự trở lại của dòng tiền khối ngoại trong phiên hôm nay 3/7 có thể trên cơ sở như vậy.