Một thông tin được nhắc đến trên thị trường gần đây về kỳ cơ cấu ETF quý I sắp tới, đó là hạ tỷ trọng cổ phiếu Ngân hàng trong VN30 theo quy tắc xây dựng chỉ số mới. Trước đó, Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE) cũng đã ban hành Quy tắc xây dựng và quản lý Bộ chỉ số HOSE-Index phiên bản 4.0 kèm theo Quyết định số 747/QĐ-SGDHCM. Theo đó, Bộ chỉ số HOSE-Index phiên bản 4.0 sẽ chính thức có hiệu lực từ tháng 03/2025.

Một trong những thay đổi đáng chú ý nhất trong quy định mới (bên cạnh quy định về thanh khoản) đó là tỷ trọng vốn hóa Free-Float tối đa của một ngành được hạn chế ở mức 40%. Trong khi đó tỷ trọng này của nhóm cổ phiếu Ngân hàng thường xuyên ở mức 55-60% trong thời gian vừa qua. StockLine có một số ước tính sơ bộ về kỳ cơ cấu sắp tới như sau.

Thứ nhất về tính thời điểm, mặc dù Quy định xây dựng chỉ số mới có hiệu lực từ 01/03, nhưng việc thay đổi thực tế (từ thời điểm rổ chỉ số mới được tính toán và có hiệu lực) sẽ vẫn phụ thuộc vào lịch cơ cấu định kỳ của rổ VN30. Rổ chỉ số này sẽ có kỳ cơ cấu tỉ trọng (không có vào ra cổ phiếu) với ngày chốt số liệu tính toán vào 31/03 và thời điểm rổ chỉ số mới có hiệu lực là ngày 5/5, sau kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5. Các ước tính cụ thể từ các đơn vị phân tích sẽ có sau ngày chốt số liệu, trước khi HOSE công bố chính thức.

Thứ hai về mức độ tác động, với quy mô ETF mô phỏng VN30 đang ở mức trên 13 nghìn tỷ đồng và tỷ trọng cổ phiếu Ngân hàng hiện tại đang là 60%. Có thể tính toán sơ bộ giá trị cơ cấu bán cổ phiếu Ngân hàng trong kỳ này sẽ ở mức hơn 2.6 nghìn tỷ. Như đã nói, chưa tới thời điểm chốt số liệu nên chưa thể có tính toán cụ thể về việc quy mô của từng cổ phiếu. StockLine tạm đưa ra số liệu khớp lệnh trung bình của 14 ngân hàng trong VN30 trong 5 phiên gần nhất đang là 3.4 nghìn tỷ khớp lệnh/phiên. Có thể thấy tổng quy mô cơ cấu thấp hơn con số này, và mức độ cơ cấu như vậy là thường xuyên thấy trong các kỳ cơ cấu ETF khác và không có tác động quá lớn lên thị trường.

Mức độ tác động nói trên có thể còn ít hơn trên mặt bằng chung, khi trong kỳ cơ cấu này thì VNDIAMOND cũng sẽ có những xáo trộn. Với số liệu cơ bản hiện tại, VIB có thể là cổ phiếu Ngân hàng nằm trong diện chờ loại và bị bán khá mạnh. Tuy nhiên tỷ trọng Ngân hàng trong rổ này không vượt trần, do vậy tỉ trọng của các ngân hàng khác trong rổ như MBB, VPB, TCB, CTG, TPB… có thể tăng lên trong cơ cấu, ghi nhận MUA trong kỳ và làm giảm ảnh hưởng trong kỳ cơ cấu VN30.

Cũng đừng quên, kỳ cơ cấu ETF gần nhất trước mắt lại là kỳ cơ cấu ETF ngoại của rổ FTSE Vietnam Index và MarketVector Vietnam Local Index, ngày hoàn thành cơ cấu là 21/3 tới đây. Theo tính toán của SSI Research, các cổ phiếu được mua với cơ cấu tương đối lớn so với số phiên giao dịch trung bình là NAB, VTP, SIP.. là các cổ phiếu được thêm mới vào rổ. Hầu như không có các cổ phiếu bị bán với quy mô đột biến so với thanh khoản hàng phiên, chủ đạo là giảm đều nhường chỗ cho tỉ trọng của các cổ phiếu mới.