• Từ những phát ngôn trong họp báo sau họp thường kỳ của Chính phủ, Thông điệp chính được đưa ra là việc tái khẳng định mục tiêu tăng trưởng GDP đầy tham vọng trên 8%, cùng với một vài tín hiệu cho thấy sẽ có thêm các biện pháp hỗ trợ được công bố trong thời gian tới.
  • Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam chủ yếu được thúc đẩy bởi đầu tư công. Với hệ số sử dụng vốn (ICOR) trung bình là 5, để đạt mức tăng trưởng 8% thì tổng vốn đầu tư toàn xã hội cần tăng khoảng 40%. Đây là một thách thức lớn trong bối cảnh hiện tại: giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) bị chậm lại do nhà đầu tư đang chờ kết quả của các cuộc đàm phán thuế đối ứng, trong khi đầu tư công đã đạt mức cao kỷ lục, với tỷ lệ đầu tư công/GDP gần 7% – tương đương với mức đầu tư hạ tầng của Trung Quốc. Đáng chú ý, đầu tư hạ tầng thường có hệ số ICOR cao do ảnh hưởng dài hạn. Do đó, đầu tư từ khu vực tư nhân trở nên đặc biệt quan trọng.
  • Trong bối cảnh này, Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về phát triển khu vực kinh tế tư nhân là một bước đi tích cực. Tuy nhiên, hiệu quả của bất kỳ chính sách nào cũng phụ thuộc vào khâu thực thi. Phần lớn chính sách của Chính phủ Việt Nam hiện nay tập trung vào tháo gỡ rào cản, như cải cách thủ tục hành chính và điều kiện kinh doanh, vốn cần thời gian để phát huy hiệu quả. Thúc đẩy các hình thức hợp tác công – tư (PPP) mang lại nhiều lợi ích, bao gồm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, giảm áp lực nợ công và kích thích thị trường bất động sản.
  • Về chính sách tiền tệ, mục tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức khá cao – 16%, trong khi tỷ lệ tín dụng/GDP hiện đã ở mức lớn. Việc liên tục mở rộng cung tiền là đáng ngại trong dài hạn. Thay vào đó, việc nâng cao chất lượng tăng trưởng tín dụng và định hướng dòng tín dụng vào các động lực chủ chốt của nền kinh tế sẽ mang lại hiệu quả bền vững hơn.
  • Thúc đẩy tiêu dùng hiện tại có thể không hoàn toàn dẫn đến lạm phát, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang suy yếu. Mặc dù Chính phủ đưa ra một mục tiêu lạm phát cao hơn so với các năm trước, tuy nhiên cũng không nên hiểu rằng lạm phát sẽ tăng mạnh giống như cách đưa ra kế hoạch.

Từ những động lực trong nước, SSI cũng đưa ra những lựa chọn cổ phiếu tập trung cho các hoạt động nội địa.

Luồng thông tin bên ngoài, tối nay 7/5 theo giờ Việt Nam là thời điểm bắt đầu vòng đàm phán đầu tiên giữa Mỹ và Việt Nam về chính sách thương mại. Đối chiếu với các vòng đàm phán đầu tiên của các quốc gia như Ấn Độ, Nhật Bản, có thể chưa có những thông tin mang tính “chốt hạ”. Nhưng dù sao đi nữa, tháng 5 đàm phán có vẻ sẽ đỡ áp lực hơn cho thị trường sau một tháng 4 nhiều lời đe dọa và leo thang.