Rạng sáng nay theo giờ Việt Nam, Tổng thống Donald Trump đã kích hoạt lại những căng thẳng thương mại toàn cầu vào ngày 7/7/2025, gia hạn thời hạn đàm phán thêm ba tuần (tới ngày 1/8) trước khi áp thuế trừng phạt lên hơn chục quốc gia. Đồng thời, Hoa Kỳ cũng đã gửi thư thông báo mức thuế cụ thể như Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Kazakhstan và Tunisia chịu mức thuế 25%; Nam Phi và Bosnia & Herzegovina 30%, Indonesia 32%, Bangladesh và Serbia 35%, Campuchia và Thái Lan 36%, Lào và Myanmar 40%. Chính quyền Trump cũng dự kiến áp thuế theo ngành đối với các nhóm sản phẩm cụ thể (như dược phẩm, chất bán dẫn, gỗ xẻ) với mức khoảng 25% theo Mục 232 của Đạo luật Mở rộng Thương mại năm 1962. Để đối phó với thách thức pháp lý đối với việc áp thuế dựa trên Đạo luật Quyền lực Kinh tế Khẩn cấp Quốc tế (IEEPA), đội ngũ thương mại của ông đã chuẩn bị “Kế hoạch B” dựa trên Luật Thương mại 1974, sử dụng Điều 122 để đánh thuế tối đa 15% trong 150 ngày và sau đó là Điều 301 để chống “thực tiễn thương mại không công bằng”. Stockline cho rằng việc kích hoạt lại những căng thẳng thương mại toàn cầu của Tổng thống Trump và việc mở rộng áp thuế đối với hơn 14 quốc gia trước mắt sẽ dẫn đến rủi ro trả đũa thuế quan tăng cao gây ảnh hưởng đến dòng chảy thương mại, đầu tư và rủi ro suy thoái toàn cầu, tuy nhiên đây cũng không phải mục tiêu Trump hướng tới.

Việc gia hạn đàm phán này nhằm tạo áp lực cho các nước và các mức thuế cao có thể chỉ mang tính tạm thời, đặc biệt với các đối tác thương mại lớn, để tránh suy thoái kinh tế. Thêm vào đó, việc đề xuất thêm các hình thức áp thuế mới (như dựa trên Luật Thương mại 1974 thay vì IEEPA đang gặp thách thức pháp lý) là một cách để chính quyền Trump đa dạng hóa các công cụ thuế quan nhằm có thêm lựa chọn trong đàm phán với các nước. Đối với thị trường Việt Nam, thông tin này có tác động tích cực trong ngắn hạn khi Việt Nam hiện đang đạt được thỏa thuận sơ bộ có lợi hơn so với các nước kể trên, tuy nhiên mọi thỏa thuận vẫn đang dừng ở bước sơ bộ và chưa có kết luận chính thức, cần chờ thêm các thông tin thuế quan từ thị trường cạnh tranh chính khác như Ấn Độ và Indonesia. Đồng thời như nhiều đánh giá trước đó của chúng tôi, mức thuế suất là điểm thị trường chú ý, nhưng xét về bản chất thì các quy định, thỏa thuận khác có liên quan cũng sẽ quan trọng không kém.

Dù sao đi nữa, điểm nhìn nhận tích cực nhất là giảm bớt một yếu tố bất định cho thị trường, khi Việt Nam đã nhận được những tín hiệu khả quan sớm trong làn sóng bất định kéo dài của những căng thẳng thương mại. Có thể đó cũng là một nguyên nhân cho sự tích cực của nhà đầu tư khối ngoại trong một vài phiên gần đây, bên cạnh các kỳ vọng khác của thị trường.