Theo báo cáo mới đây của SSI Research, lộ trình mới về cải cách đã được công bố. Quốc hội sẽ tiến hành kỳ họp tháng 5 sớm hơn và dài hơn thường lệ (bắt đầu từ đầu tháng 5 và kéo dài trong hai tháng). Trong kỳ họp này, Quốc hội dự kiến sẽ thông qua khoảng 11 dự luật, thảo luận 16 dự luật khác và xem xét quy trình sửa đổi Hiến pháp. Bên cạnh đó, chủ đề nóng hổi về cải cách, sát nhập đơn vị hành chính cũng là tâm điểm, khi giảm đáng kể số lượng đơn vị hành chính cấp tỉnh (cấp thứ nhất). Theo đó, 63 tỉnh hiện tại sẽ được tổ chức lại thành khoảng 30 tỉnh. Chúng tôi cũng lưu ý rằng, tin đồn về các phương án ban đầu đã có, nhưng từ giờ tới thời điểm đưa ra thảo luận trước Quốc hội, sẽ còn nhiều chỉnh sửa, thay đổi chưa biết trước. Hơn nữa, không đơn giản chỉ là sát nhập cơ học dựa trên dân số, diện tích, mà còn phù hợp với nhiều mục tiêu khác về kinh tế, xã hội được xét tới.

Bên cạnh đó, các đơn vị hành chính cấp huyện (cấp thứ hai) có thể sẽ bị bãi bỏ, và các đơn vị hành chính cấp xã/phường (cấp cơ sở) sẽ được sáp nhập, hình thành mô hình chính quyền địa phương hai cấp, bao gồm tỉnh và xã/phường. Các báo cáo cho thấy số lượng xã có thể giảm từ khoảng 11.000 xuống còn khoảng 2.500 trên toàn quốc, tương ứng với mức giảm từ 60-70%. Các xã hiện tại sẽ được sáp nhập thành các đơn vị hành chính lớn hơn.

Một ban chỉ đạo của Chính phủ đã được thành lập để giám sát quá trình cải cách quan trọng này. Mối quan tâm hàng đầu không chỉ là việc triển khai mà còn là tác động đến ngân sách, do một lượng lớn cán bộ, công chức (ước tính khoảng 100.000 người, tương đương 20% tổng số cán bộ, công chức, không bao gồm giáo viên và nhân viên y tế) có thể nghỉ việc do ảnh hưởng của cải cách. Chính phủ đã khẳng định nguồn kinh phí cho các chế độ nghỉ hưu trước tuổi, theo Nghị định 178/2024, là đủ để thực hiện kế hoạch này. Ước tính tổng kinh phí cho các chế độ nghỉ hưu trước tuổi là khoảng 130 nghìn tỷ đồng (khoảng 5 tỷ USD).

Chủ trương sáp nhập các tỉnh là một bước đi mạnh mẽ, được kỳ vọng sẽ giảm thiểu sự phân tán, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc triển khai các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn liên tỉnh. Hơn nữa, các tỉnh lớn hơn sẽ có nguồn thu ngân sách địa phương tăng, nâng cao năng lực tài chính thông qua việc phát hành trái phiếu chính quyền địa phương. Là một trong những bước đi mạnh mẽ thể hiện quyết tâm tăng trưởng kinh tế cao trong các năm tiếp theo.