Trong bối cảnh nhóm ngành khoáng sản tăng sốc trong vài tuần trở lại đây, CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDS) đã có bài viết ngắn đề cập tới Tungsten hay còn gọi là volfram, một vật liệu quen thuộc có tính ứng dụng trong các ngành công nghiệp như quốc phòng, năng lượng, ô tô,… Stockline xin được tóm tắt tới Quý khách hàng như sau:
Chuỗi giá trị Tungsten:
Bao gồm bốn mắt xích: thăm dò, khai thác quặng, luyện kim và chế biến trung nguồn, chế biến sâu hạ nguồn. Trung Quốc là quốc gia khai thác và tiêu thụ Tungsten lớn nhất thế giới, đóng vai trò quan trọng trong sản xuất và xuất khẩu Tungsten trung nguồn như bột Cacbua Tungsten và hợp kim thép.
Cơ cấu thị trường tiêu thụ và sản xuất:
Trung Quốc hiện là quốc gia khai thác và nhập khẩu quặng Tungsten lớn nhất thế giới, đồng thời cũng là nước tiêu thụ Tungsten trung nguồn lớn nhất. Điều này xuất phát từ nhu cầu cao đối với bột cacbua Tungsten phục vụ giao thông vận tải, công nghiệp và xây dựng cơ sở hạ tầng từ năm 2000. Trung Quốc cũng nhập khẩu nhiều quặng Tungsten để sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm Tungsten trung nguồn (như APT, bột Tungsten và hợp kim thép Tungsten) sang các quốc gia lớn như Mỹ. Vì vậy, mọi thay đổi trong sản xuất và thương mại Tungsten tại Trung Quốc có thể ảnh hưởng lớn đến giá Tungsten ở cả ba mức thượng, trung và hạ nguồn.
Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung làm căng thẳng chuỗi cung ứng:
Trung Quốc đã áp dụng lệnh kiểm soát xuất khẩu Tungsten vào tháng 2/2025, trong bối cảnh mức thuế 10% đối với hàng hóa Trung Quốc từ Mỹ có hiệu lực. Điều này sẽ ảnh hưởng mạnh đến thị trường Tungsten toàn cầu, đặc biệt là đối với Mỹ, quốc gia phụ thuộc nhập khẩu Tungsten từ Trung Quốc. Mỹ có thể sẽ phải thay đổi thị trường nhập khẩu hoặc tìm nguồn thay thế để đáp ứng nhu cầu hiện tại. MSR có thể được hưởng lợi từ xu hướng này nhưng mức độ lợi nhuận không lớn vì công ty đã thanh lý khoản đầu tư vào HC Starck, một doanh nghiệp chuyên tinh luyện sản phẩm Tungsten hạ nguồn.