Doanh số bán lẻ của Trung Quốc tăng 3% so với cùng kỳ vào tháng 11 năm 2024, chậm lại so với mức tăng 4,8% của tháng trước và thấp hơn kỳ vọng 4,6%. Đây là mức tăng trưởng yếu nhất kể từ tháng 8, với sự sụt giảm mạnh trong doanh số các sản phẩm thể thao và giải trí (3,5% so với 26,7% trong tháng 10), nhu yếu phẩm hàng ngày (1,3% so với 8,5%), và thiết bị gia dụng và nghe nhìn (22,2% so với 39,2%).
Trong những năm gần đây, Trung Quốc thường dựa vào xuất khẩu để giảm bớt tình trạng dư cung và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, với biến số Trump 2.0 sẽ khiến mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu (vốn chiếm 20–30% tăng trưởng GDP của TQ) có thể phải đối mặt với những thách thức, đòi hỏi phải chuyển hướng nhanh hơn sang tiêu dùng nội địa làm động lực tăng trưởng chính. Tuần trước, Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương đã tiết lộ những điều chỉnh đáng kể đối với các ưu tiên kinh tế của Trung Quốc trong năm tới. Lần đầu tiên, nhu cầu tiêu dùng được nâng lên vị trí ưu tiên hàng đầu trong 9 nhiệm vụ trọng tâm (trước đó đứng thứ hai trong 2 năm qua).
Trong chính sách tiền tệ, chính phủ đã đưa ra lại các thuật ngữ như “nới lỏng vừa phải” lần đầu tiên kể từ năm 2014 và cam kết “điều chỉnh tỷ lệ dự trữ bắt buộc và lãi suất vào những thời điểm thích hợp”. Chính sách tài khóa cũng được thiết lập để trở nên chủ động hơn, với đề cập rõ ràng đến việc “tăng tỷ lệ thâm hụt” và “tăng đầu tư ngân sách trung ương vừa phải”. Ngoài ra Bắc Kinh cũng đã thực hiện nhiều biện pháp để thúc đẩy tăng trưởng, như cắt giảm lãi suất, bãi bỏ các hạn chế mua nhà và giảm bớt gánh nặng nợ của chính quyền địa phương. Ngoài ra, các chương trình khuyến mãi mua sắm trực tuyến lớn và các chính sách hỗ trợ thương mại của Chính phủ, đặc biệt trong các lĩnh vực ô tô, được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tăng trưởng tiêu dùng.
Chart: tăng trưởng doanh số bán lẻ Trung Quốc theo tháng (yoy)