Chiều 22/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp tiếp tục thảo luận, cho ý kiến với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về xây dựng trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam. Nhiều thông điệp đã được phát đi, qua đó nhìn thấy quyết tâm của Chính phủ trong việc xây dựng Trung tâm tài chính, thu hút vốn đầu tư mạnh mẽ và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Dự thảo Nghị quyết này cũng sẽ được trình lên kỳ họp Quốc hội đang diễn ra ngay trong thời gian tới.
Vận dụng các mô hình đã chứng minh thành công tại khu vực châu Á như Dubai (UAE), Astana (Kazakhstan) Một số điểm đáng chú ý trong dự thảo gần nhất.
- Về mục tiêu: (1) Thu hút vốn cho phát triển đất nước nhanh, xanh, bền vững, đặc biệt là vốn trung và dài hạn; (2) tạo môi trường kinh doanh cho các nhà đầu tư, thiết lập và cung ứng các dịch vụ tài chính hiện đại cho thế giới; phát triển đồng tiền số phù hợp xu thế phát triển chung và điều kiện Việt Nam; (3) bảo đảm tự do luân chuyển dòng vốn và lợi nhuận hợp pháp phù hợp thông lệ quốc tế và điều kiện Việt Nam, đồng thời không để lợi dụng, thao túng đưa nguồn lực của Việt Nam ra bên ngoài trái quy định.
- Về địa điểm: thành lập 01 Trung tâm Tài chính tại 02 địa điểm dự kiến là Thành phố Hồ Chí Minh và Thành phố Đà Nẵng với các chức năng nhiệm vụ riêng biệt. Thành phố Hồ Chí Minh có nhiệm vụ trọng tâm phát triển thị trường vốn gắn với các dịch vụ truyền thống như Cổ phiếu, Trái phiếu, Quản lý tài sản, quản lý quỹ, bảo hiểm, phát triển cơ chế thử nghiệm sandbox về Fintech, các công cụ sản phẩm tài chính xanh…. Phát triển chuỗi cưng ứng kết nối trung tâm logistic, vận tải gắn với Khu thương mại tự do Bà Rịa – Vũng Tàu gắn với cảng biển quốc tế Cái Mép Hạ. Thành phố Đà Nẵng sẽ là nơi tập trung các tổ chức cá nhân không cư trú (dịch vụ tài chính offshore), các hoạt động thương mại xuyên biên giới, thử nghiệm có kiểm soát các sản phẩm tài chính mới như tài sản số, thúc đẩy phát triển các start up giải pháp tài chính phục vụ đời sống tiêu dùng, thương mại…
- Về chính sách ưu đãi: Trước đó, Bộ Chính trị đã phê duyệt 14 nhóm chính sách với lộ trình áp dụng phù hợp. Dựa trên thông lệ quốc tế và các trung tâm tài chính đã vận hành tại các quốc gia mà Bộ Tài chính đã tham khảo trong quá trình xây dựng dự thảo, chúng tôi cho rằng các cơ chế ưu đãi sẽ nằm ở các vấn đề thuế (Thu nhập doanh nghiệp, cá nhân), cơ sở hạ tầng và đất đai, nới lỏng quy định thị thực, nguồn nhân lực, mở cửa cho các thử nghiệm như tài sản số, hỗ trợ start up, các quy định mới về ngoại hối và hoạt động ngân hàng theo lộ trình, cơ chế giải quyết tranh chấp. Trong cuộc họp mới đây, Thủ tướng Chính phủ cũng đã nhấn mạnh cần có tòa án chuyên biệt tại Trung tâm, vận hành theo cơ chế thị trường, tôn trọng quy luật cạnh tranh, cung cầu và quy luật giá trị, có sự quản lý thống nhất của Nhà nước đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Hiện tại, đây là bản dự thảo số 29 của Nghị quyết, dự kiến sẽ hoàn thiện và trình trong kỳ họp Quốc hội kỳ này đang diễn ra trong tháng 6. Sau khi được thông qua, sẽ tiếp tục có 8-10 văn bản được Chính phủ soạn thảo để có các hướng dẫn thi hành cụ thể hơn.