Vào sáng ngày 19/2/2025, Quốc hội đã thông qua nghị quyết cho phép thí điểm đầu tư vào mạng viễn thông vệ tinh, áp dụng công nghệ vệ tinh quỹ đạo tầm thấp. Đây được coi là một bước tiến quan trọng trong việc phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Chương trình thí điểm này không đặt ra giới hạn về tỷ lệ sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài, nhằm thu hút các doanh nghiệp lớn toàn cầu đầu tư vào Việt Nam. StockLine xin gửi tới Quý khách hàng bản tóm tắt bài viết đánh giá của HSC như sau:
Lợi ích của mạng viễn thông vệ tinh: Giúp mở rộng phạm vi phủ sóng internet băng thông rộng, đặc biệt tại vùng sâu vùng xa, nơi cơ sở hạ tầng viễn thông mặt đất còn hạn chế. Điều này có thể giúp thu hẹp khoảng cách số ở những khu vực ít có khả năng tiếp cận công nghệ internet mặt đất. Ngoài ra internet vệ tinh có thể giúp kết nối dự phòng trong các trường hợp thiên tai hoặc sự cố mà internet di động hoặc băng thông rộng cố định không thể kết nối tới.
Điểm khác biệt: Ngoài các yếu tố kỹ thuật về công nghệ, và kỹ thuật lắp đặt, nhìn chung internet cáp quang thường có tốc độ cao và ổn định hơn, nhưng bị giới hạn bởi cơ sở hạ tầng mặt đất và thường có giá cước rẻ, dễ dàng tiếp cận khách hàng B2B và B2C. Ngược lại Internet vệ tinh có khả năng phủ sóng rộng rãi và có thể cung cấp dịch vụ ở những khu vực khó tiếp cận nhưng dễ bị giới hạn dữ liệu, chi phí cũng đắt hơn nhiều.
Tại Việt Nam, thị trường internet băng thông rộng cố định có VNPT chiếm lĩnh thị phần (39%), Viettel (38%) và FPT (18%) trong năm 2022. Đối với thuê bao băng thông rộng di động, Viettel chiếm lĩnh thị phần với 54%, tiếp theo là VNPT với 23% và Mobifone với 19% trong năm 2022. Đối với dịch vụ internet vệ tinh có VNPT là nhà mạng duy nhất cung cấp dịch vụ internet với thuê bao từ 1.6tr/tháng. HSC cho rằng Internet vệ tinh có thể tạo ra cơ hội mới cho các nhà mạng Việt Nam thông qua việc hợp tác với các nhà cung cấp dịch vụ vệ tinh nước ngoài. Và ngược lại các nhà mạng có thể tận dụng cơ sở hạ tầng hiện có để giảm chi phí đầu tư. Tuy nhiên cơ hội đi kèm với những rủi ro hiện hữu như áp lực cạnh tranh gia tăng, chi phí đầu tư R&D lớn.
Starlink được coi là đối thủ hiện hữu trong cuộc đua dịch vụ viễn thông lần này, Tuy nhiên nguy cơ xung độ internet mặt đất còn hạn chế. So sánh với các nước mà Starlink đã có mặt, người dùng phải trả trước một khoản phí thiết bị/router từ 500 USD và phí dịch vụ hàng tháng từ 47 USD, cao hơn so với mức phí internet chỉ từ 8-10 USD mỗi tháng từ các dịch vụ băng thông rộng hiện có tại Việt Nam. Do đó Starlink nên được sử dụng như dịch vụ bổ sung cho các nhà cung cấp dịch vụ internet mặt đất, đặc biệt tại những nơi có hạ tầng mặt đất hạn chế như dịch vụ internet trên máy bay hoặc ở những vùng sâu vùng xa như hải đảo thay vì là đối thủ cạnh tranh với các nhà mạng trong nước. Do đó HSC đánh giá nghị quyết lần này chưa có tác động quá tiêu cực lên hoạt động kinh doanh của FPT và CTR.