Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 10 tháng đầu năm 2024, Việt Nam nhập khẩu 14.7 triệu tấn thép, tăng 38% svck, với giá trung bình giảm 11% trong cùng giai đoạn và thấp hơn giá bán các doanh nghiệp nội địa từ 5-7%. Tính riêng tháng 10, Việt Nam nhập khẩu 2.41 triệu tấn, tăng 56% svck. Phần lớn trong số này là các sản phẩm HRC và đến từ Trung Quốc chiếm từ 60-70% lượng thép nhập khẩu. Trong 9 tháng đầu 2024, thị phần thép nhập khẩu tính chung toàn thị trường tăng lên mức 63.2%, so với mức 58.9% của cùng kỳ năm 2023. Trong số liệu của Tổng cục Thống kê tháng 10, sản lượng sắt thép nhập khẩu thậm chí còn ghi nhận con số cao nhất lịch sử, StockLine cho rằng con số này với riêng HRC cũng có diễn biến “new high” tương tự. StockLine giữ quan điểm từ đầu năm, cùng với xu hướng bảo hộ trên rất nhiều thị trường trên toàn thế giới, các hàng rào thuế quan chống bán phá giá mà Việt Nam đang tiến hành điều tra, gồm AD19 và AD20, là cần thiết để hạn chế áp lực cạnh tranh đang tiếp tục nóng lên từ thép Trung Quốc.
Điểm sáng duy trì từ 2023, đó là tín hiệu tích cực từ tiêu thụ thép nội địa. Số liệu từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho thấy sản lượng bán hàng tháng 10/2024 vừa qua tăng 32% so với cùng kỳ và 16% so với tháng trước. Trong đó thị trường trong nước khi tăng 28% so với cùng kỳ và 11% so với tháng trước. Tăng trưởng nội địa thấp hơn tăng trưởng chung, cũng thể hiện cứu cánh cho con số tích cực này đang đến từ xuất khẩu, ghi nhận tăng mạnh 25% so với tháng gần nhất. Không bất ngờ khi số liệu tiêu thụ HRC là nhóm sản phẩm ghi nhận tăng trưởng âm hiếm hoi trong bức tranh này, giảm 27% so với cùng kỳ và 21% so với tháng trước. Thị phần của HRC nhập khẩu đang chiếm xấp xỉ 65-70% thị phần trong 10 tháng đầu năm.