Nhiều diễn biến trái chiều của xuất khẩu Thủy sản đang diễn ra trong những kỳ kinh doanh vừa qua. Báo cáo mới đây của VDSC với tiêu đề “Xuất khẩu T10/2024 tăng trưởng mạnh mẽ” cho thấy những con số tích cực khi dựa trên nền so sánh thấp của cuối năm 2023.
Cụ thể, xuất khẩu cá tra trong T10/2024 tăng trưởng 18%, đạt 201 triệu USD nhờ sản lượng tăng trưởng 22% trong khi giá bán trung bình vẫn thấp hơn cùng kỳ 3%. Sản lượng xuất khẩu tăng trưởng nhờ thị trường Mỹ và Trung Quốc tăng mạnh lần lượt 63% và 26% YoY. VHC với tỉ trọng xuất khẩu chủ đạo vào Mỹ ghi nhận tăng trưởng 79% so với cùng kỳ về giá trị.
Tuy nhiên lưu ý rằng kết quả lợi nhuận trong quý IV/2023 rất thấp điểm đối với ngành cá tra nói chung. Với chỉ 66 tỷ đồng LNST của VHC trong kỳ này thì đây là con số thấp nhất trong vòng gần 10 năm qua của công ty, chỉ bằng hơn 20% trung bình 3 quý trước đó.
Theo dõi các số liệu thể hiện sự hồi phục của ngành dưới đây dựa trên giá bán trung bình và sản lượng xuất khẩu ở các thị trường chủ lực. Sự hồi phục vẫn diễn ra nhưng chủ đạo ở sản lượng, trên cơ sở giá bán hoặc tăng chậm, đi ngang (tại Mỹ) và thậm chí vừa thiết lập vùng thấp nhất về giá tại Trung Quốc dưới áp lực cạnh tranh cao từ cá minh thái của Nga.
Sự hồi phục về sản lượng đang diễn ra là điểm tựa cho hồi phục KQKD của các DN trong ngành, tuy nhiên đến nhiều từ việc giá bán lẻ của cá tra phi lê đang ở vùng thấp so với các loại cá cùng phân khúc. Cũng vì vậy dư địa tăng về giá bán đang tương đối hạn chế trong thời điểm này.
Xu hướng tăng của giá nguyên liệu trong nước đang đến từ tồn kho cá nguyên liệu đang ở mức thấp, không hẳn đến từ nhu cầu đầu ra ấm lên như kỳ vọng. Theo đánh giá của VDSC, giá cá nguyên liệu tăng trong bối cảnh đầu ra đi ngang sẽ khiến cho biên lợi nhuận gộp của ngành có thể suy giảm trong quý IV.