Điểm nhấn rực rỡ đầu tiên mùa KQKD quý II tới sớm với chia sẻ đáng chú ý từ ĐHĐCĐ ANV trong ngày 28/6 vừa qua với phiên cuối tháng 6 tăng trần phản ứng tích cực ngay sau đó
Theo chia sẻ của Ban lãnh đạo, nửa đầu 2025ANV đã đạt được Lợi nhuận trước thuế sơ bộ là 500 tỷ đồng, tăng gấp 17 lần so với cùng kỳ năm trước. Điều này tương ứng với các kết quả 150 tỷ trong quý I và 350 tỷ đồng trong quý ii, con số đột biến so với mức lãi ròng sau thuế cả năm 2024 trước đó chỉ chưa đến 50 tỷ đồng. Con số 350 tỷ LNTT cũng là kỷ lục lịch sử của ANV đầy bất ngờ. Từ những diễn biến thuận lợi trong 2025, ban lãnh đạo cũng mạnh dạn đặt mục tiêu 1000 tỷ LNTT cho cả năm 2025. Lý do cho sự phục hồi mạnh mẽ nàychủ yếu do doanh số bán hàng tăng mạnh, được hỗ trợ bởi các hoạt động dồn đơn hàng (front-loading) vào thị trường Mỹ và nhu cầu mạnh mẽ tại các thị trường Nam Mỹ trọng điểm như Mexico, Brazil và Colombia.
Mặc dù doanh thu quý 2 năm 2025 chưa được công bố, nhưng được cho là đã cải thiện đáng kể nhờ việc công ty có lượng tồn kho cá nguyên liệu lớn lên tới 18.000 tấn từ năm 2024. Điều này cho phép ANV kịp thời đáp ứng các đợt tăng đột biến về đơn hàng do các hoạt động dồn đơn hàng kể từ cuối tháng 4. Biên lợi nhuận cũng được cải thiện do ANV có thể giải phóng lượng hàng tồn kho giá thấp này, vốn được tích lũy vào cuối năm 2024.
ANV có vị thế tốt để mở rộng xuất khẩu sang Mỹ do mức thuế chống bán phá giá (AD) là 0%, đặc biệt khi ngành thủy sản Trung Quốc phải đối mặt với mức thuế cao hơn đáng kể so với Việt Nam. Ngoài ra, việc nâng tầm quan hệ giữa Việt Nam và Brazil lên đối tác chiến lược toàn diện gần đây tạo điều kiện thuận lợi cho ANV xuất khẩu cá tra sang Brazil trong tương lai. Thực tế, mức thuế gần 0% mà ANV được áp cho thị trường Mỹ cũng đã có hiệu lực trong hơn 2 năm qua, nhưng đây là lần đầu tiên ANV thực sự lấy được thị phần từ thị trường này và chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu doanh thu lợi nhuận.
Ngoài cá tra, cá rô phi có khả năng là động lực tăng trưởng lợi nhuận mới cho ANV. Công ty hiện đang xuất khẩu cá rô phi sang Mỹ, tận dụng mức thuế cao áp đặt lên cá rô phi Trung Quốc. Điều này có thể trở thành một động lực tăng trưởng mới bên cạnh mảng kinh doanh cá tra cốt lõi của công ty.
Ban lãnh đạo đặt kỳ vọng LNTT các năm 2025, 2026, 2027 lần lượt là 1.000, 1.200, 1.400 tỷ đồng, với các tỷ suất cổ tức cao lên tương ứng. Chúng tôi vẫn tin rằng với ngành nghề cực kỳ biến động như thủy sản xuất khẩu, dự phóng quá xa thường không phải là con số đang tin cậy. Ban lãnh đạo cũng không chia sẻ các thông số sâu hơn về giá bán, sản lượng. Nhưng con số được công bố của quý II là rất bất ngờ, phản ứng tích cực trên thị trường là phù hợp. Giá cổ phiếu ANV đã tăng hơn 20% trong tháng vừa qua. Vốn hóa hiện tại ở mức 5.600 tỷ đồng, tương ứng P/e 2025 ở mức 6-7 lần nếu xu hướng lợi nhuận tiếp tục duy trì như kỳ vọng của Ban Lãnh đạo, đây vẫn là mức giá còn dư địa tăng theo quan điểm của StockLine. Nhưng một lần nữa sự biến động cao của ngành thủy sản khiến cho việc đưa ra quyết định MUA cần đi kèm sự sát sao với biến động của các thị trường xuất khẩu.