VIB đã tổ chức Đại hội cổ đông với một số thông tin chính sau đây:

  • VIB đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế (LNTT) là 11 nghìn tỷ đồng (+22% svck), được thúc đẩy bởi tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ dự kiến ở mức 22% so với đầu năm và tăng trưởng huy động (tiền gửi khách hàng và giấy tờ có giá) đạt 26% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu dự kiến sẽ được kiểm soát dưới 3% trong năm 2025.
  • Vốn điều lệ sẽ tăng lên 34 nghìn tỷ đồng thông qua việc trả 417 triệu cổ phiếu thưởng (14%) và phát hành 7,8 triệu cổ phiếu theo chương trình ESOP (0,26%).
  • Cổ tức tiền mặt tỷ lệ 7% trong năm 2025 (so với 12,5% trong năm 2024).
  • Cập nhật kết quả kinh doanh Q1/2025: VIB dự kiến LNTT Q1/2025 sẽ đạt 2,2 nghìn tỷ đồng - 2,4 nghìn tỷ đồng (-12% đến -3,3% svck). Tăng trưởng tín dụng dự kiến đạt 3% vào cuối Q1/2025.
  • VIB kỳ vọng việc luật hóa Nghị quyết 42 sẽ mang lại nhiều lợi ích cho các ngân hàng có tỷ trọng bán lẻ cao trong việc xử lý nợ xấu.
  • VIB đang tìm kiếm đối tác chiến lược để hỗ trợ ngân hàng mở rộng tệp khách hàng, huy động vốn và phát triển công nghệ.
  • VIB đã thành công trong việc thu hút 100 nghìn khách hàng tham gia Tài khoản Siêu Lợi Suất sau một tháng phát động và đặt mục tiêu đạt 1 triệu khách hàng tham gia trong thời gian tới. Chương trình Tài khoản Siêu Lợi Suất là một sản phẩm tiền gửi nhằm thu hút thêm lượng tiền nhàn rỗi của khách hàng với mức lãi suất hợp lý và linh hoạt hơn so với các sản phẩm tiền gửi tiết kiệm truyền thống. Cách thức hoạt động của sản phẩm này là người gửi tiền chỉ cần duy trì 10 triệu đồng trong tài khoản thanh toán, và số tiền vượt quá 10 triệu đồng này sẽ được hưởng lãi suất lũy tiến tăng dần. Các ngân hàng tư nhân lớn khác như TCB và VPB cũng đã phát triển loại hình tiền gửi tương tự nhằm mở rộng tệp khách hàng với chi phí vốn hợp lý trong bối cảnh lãi suất huy động vẫn còn ở mức thấp.

Quan điểm của StockLine, chúng tôi hiện tại chưa có ý tưởng đầu tư nào rõ ràng với VIB, dù chúng tôi cũng đưa cổ phiếu này vào theo dõi sau khi CBA thoái vốn.