Bàn về câu chuyện tăng trưởng kinh tế và mục tiêu trở thành nước có thu nhập cao tại Tọa đàm “Kinh tế vĩ mô Việt Nam: Nhìn lại 2024 và triển vọng 2025” diễn ra sáng 3/1, các chuyên gia cho rằng để làm được điều này, buộc phải đột phá từ năm 2025 và có giai đoạn tăng trưởng hai con số.

Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính - Tiền tệ Quốc gia nhấn mạnh, với mục tiêu mà Tổng Bí thư và Đảng, Nhà nước đã đề ra là đến năm 2030 Việt Nam là quốc gia thuộc nhóm có thu nhập trung bình cao, và đến năm 2045 là nước có sẽ trở thành nước thu nhập cao thì trong năm 2025 phải phấn đấu để đạt mức tăng trưởng ít nhất là 8% như Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo.

"Đến giai đoạn năm 2026 - 2030, phải phấn đấu tăng trưởng đạt hai con số ở mức khoảng 10%. Sau đó từ năm 2031 - 2045 đạt 6,5 đến 7%. Bởi tốc độ tăng trưởng sẽ giảm dần cho dù chúng ta nỗ lực, cố gắng và quyết tâm vì lúc bây giờ quy mô kinh tế của Việt Nam rất lớn tỷ lệ tăng trưởng sẽ chậm dần do phải so sánh với mức nền rất cao của giai đoạn trước", ông nói.

Nếu làm được những điều này, mục tiêu rở thành nước thu nhập cao và có nền tảng công nghiệp hiện tại hoàn toàn khả thi.

5 yếu tố giúp tăng trưởng 2025 đạt 8%

Phân tích kỹ hơn về yếu tố giúp tăng trưởng kinh tế thực sự đột phá từ năm 2025 trở đi, chuyên gia Cấn Văn Lực cho rằng cần phải thực sự quyết liệt và thậm chí làm cách mạng ở 5 lĩnh vực quan trọng.

Thứ nhất, là câu chuyện liên quan đến thể chế, phải thực sự đột phá, từ khâu làm luật cho đến khâu thực thi và giám sát luật. Đặc biệt, phải từng bước tháo gỡ khó khăn đang diễn ra càng nhanh càng tốt, để qua đó huy động và giải phóng nguồn lực hiệu quả hơn.

Thứ hai, cần quyết tâm thực hiện một cách nhanh, gọn và hiệu quả hai chủ trương rất lớn của Đảng và Nhà nước là Đột phá về thể chế và cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy.

"Với quyết tâm của Đảng và Nhà nước cùng cả hệ thống chính trị thì, tôi tin chúng ta sẽ làm được. Như Tổng Bí Thư đã nói, chúng ta sẽ bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Điều này rất khả thi nếu chúng ta quyết tâm triển khai thực hiện", TS. Lực nói.

Thứ ba là cần phải tập trung vào các động lực tăng trưởng kinh tế của Việt Nam cả động lực truyền thống và động lực mới. Với động lực truyền thống, cỗ xe tam mã: Xuất khẩu ròng, đầu tư và tiêu dùng cần tiếp tục được thúc đẩy.

Trong đó, riêng về xuất nhập khẩu, hiện nay, Việt Nam đang nhập siêu dịch vụ tương đối nhiều, khoảng 10 tỷ USD mỗi năm. Vì vậy, để đóng góp của khu vực xuất nhập khẩu ròng cả hàng hóa và dịch vụ vào tăng trưởng kinh tế cao hơn thì phải kiểm soát tốt hơn câu chuyện nhập siêu dịch vụ.

Với đầu tư, Chính phủ đã rất quyết liệt câu chuyện đầu tư công. Tuy nhiên, giải ngân vốn đầu tư công vẫn còn chậm và không đồng đều. Ngay kể cả khi quyết tâm thì có lẽ cũng chỉ giải ngân được khoảng 90% kế hoạch, nên vẫn còn dư địa để phát triển động lực này, TS. Lực đánh giá.

Với yếu tố đầu tư tư nhân, dù phục hồi tương đối tích cực trong năm 2024, đạt khoảng 7% nhưng mức này vẫn còn rất thấp chỉ bằng một nửa so với mức tăng trưởng vốn đầu tư nhân trong giai đoạn trước dịch, từ năm 2016 đến 2019.

Về tiêu dùng, trong năm 2024, động lực này đóng góp khoảng 62% vào tăng trưởng GDP. Điều này cho thấy, đây là một động lực rất quan trọng với tăng trưởng GDP. Vì vậy, cần phải tiếp tục phát huy và khai thác tốt tiêu dùng bằng những chính sách kích cầu. Ví dụ việc giảm thuế VAT 2% với nhiều mặt hàng trong 6 tháng đầu năm 2025 là một chính sách rất tích cực nhưng cần thực thi tốt hơn nữa.

Bên cạnh đó, còn có động lực tăng trưởng mới đến từ các lĩnh vực công nghệ cao, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh còn rất nhiều dư địa để phát triển. Nghị quyết 57 mà Bộ Chính trị đã tập trung vào vấn đề này với việc đẩy mạnh phát triển những ngành nghề, lĩnh vực mới đem lại giá trị gia tăng cao như: Công nghiệp bán dẫn, thúc đẩy đổi mới sáng tạo...

Nguồn lực thứ tư là cải cách thể chế. "Kinh nghiệm quốc tế cho thấy rằng là khi chúng ta cải cách tốt về thể chế thì tăng trưởng kinh tế sẽ rất tích cực. Vì vậy, tôi cho rằng chúng ta cũng cần phải khai thác tốt hơn nguồn lực tăng trưởng mới này", chuyên gia đề xuất.

Cuối cùng là việc phối hợp chính sách, nhất là giữa chính sách tài khoá và chính sách tiền tệ, chính sách giá cả và nhiều chính sách khác trong bối cảnh bên ngoài có rất nhiều thách thức, nhất là với chính quyền mới của Tổng thống Mỹ và nhiều quốc gia khác. Chuyên gia dự báo rủi ro về thương mại quốc tế, địa chính trị trong thời gian tới còn diễn biến rất phức tạp.

Tăng trưởng hướng tới cả số lượng và chất lượng

Đặc biệt, tăng trưởng kinh tế không chỉ cần số lượng mà còn cần chất lượng. Năng suất lao động dù có sự chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn rất thấp so với khu vực, so với tiềm năng của Việt Nam. Đồng thời, sự đóng góp của khoa công nghệ, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo vào phát triển kinh tế xã hội còn chưa được cao.

Chất lượng tăng trưởng qua hệ số ICOR (tỷ lệ vốn đầu tư so với tốc độ tăng trưởng) còn thấp. Tức 1 đồng tăng trưởng đang cần tới 5 - 6 thậm chí là 7 lần vốn là mức rất là cao so với bình quân của thế giới. Ở những giai đoạn tăng trưởng tốt, ICOR của các quốc gia phát triển chỉ khoảng 3,5 - 4 lần.

Yếu tố quan trọng nữa thúc đẩy vào tăng trưởng GDP là cần phát triển kinh tế tư nhân. Hiện nay, sự đóng góp của khu vực này vào nền kinh tế còn chưa tương xứng với tiềm năng và năng lực mà chúng ta mong muốn.

Chuyên gia kỳ vọng Trung ương sẽ sớm chỉ đạo rà soát, sửa đổi thậm chí là ban hành nghị định mới về phát triển kinh tế tư nhân trong bối cảnh hiện nay. Song song với đó, cần rà soát các luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa bởi đây là một lực lượng đông đảo, chiếm đến 97 - 98% tổng số doanh nghiệp của Việt Nam.

"Nên điều chỉnh giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ mức 20% xuống 17% đối với doanh nghiệp trung bình và giảm xuống 15% đối với doanh nghiệp nhỏ. Chỉ có phát triển khu vực này thì kinh tế tư nhân mới có thể đóng góp 60 - 65% như định hướng của Trung ương Đảng đề ra cho giai đoạn trước", TS. Cấn Văn Lực cho hay.