Với những nền tảng hỗ trợ sản xuất, chế biến cùng với những nỗ lực ngừng trong phát triển thị trường sẽ tạo đà để thủy sản năm 2025 tiếp tục tăng trưởng từ 10-15%.

Năm 2025 sẽ tiếp tục đặt ra những thách thức mới đối với ngành thủy sản; trong đó, việc giải quyết thẻ vàng IUU, thích ứng với biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và các rào cản từ thị trường. Song ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho rằng, triển vọng năm 2025 của xuất khẩu thủy sản cũng rất khả quan.

Vừa qua, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã ban hành Kết luận cuối cùng trong vụ điều tra chống trợ cấp đối với tôm nước ấm đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam.

Hiện đang chờ Ủy ban Thương mại quốc tế Hoa Kỳ (USITC) sẽ ban hành Kết luận cuối cùng về thiệt hại. Tuy nhiên, với kết luận của DOC, thuế đối Việt Nam thấp hơn so với các nước cạnh tranh như Ấn Độ, Ecuador. Trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu, đây chính là động lực cho tôm Việt Nam.

Ông Nguyễn Hoài Nam cũng cho biết, từ năm 2023 đến nay, các ngân hàng có ba gói tín dụng cho thủy sản và lâm sản, hiện đang thực hiện gói 60.000 tỷ đồng cho các đơn vị trong chuỗi thủy sản vay ưu đãi hơn thị trường từ 1-1,5%... Đây là chính sách, cơ hội cho doanh nghiệp chuẩn bị kế hoạch sản xuất, xuất khẩu trong năm tới. Từ các cơ hội mà ngành thủy sản đang có, năm tới ngành cố gắng duy trì mức tăng trưởng xuất khẩu đạt từ 10-15%.

Nhìn lại năm 2024, các mặt hàng thủy sản chủ lực đều có tăng trưởng tích cực như: tôm 4 tỷ USD, tăng 16,7%; cá ngừ gần 1 tỷ USD, tăng 17%; cá tra 2 tỷ USD, tăng 9,6%. Ngành thủy sản Việt Nam tự hào góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế đất nước, đem lại việc làm cho hàng triệu nông ngư dân, khẳng định vị thế trên thương trường thế giới.

Sau 20 năm ngành thuỷ sản hội nhập, có kết quả trên, ngành đã có sự thay đổi đáng kể nhất là liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm, rồi đến trách nhiệm với môi trường, xã hội. Để xuất khẩu các lô hàng thuỷ sản tới thị trường lớn, ngoài những quy định của thị trường bắt buộc thủy sản Việt Nam bây giờ cần có thêm các chứng nhận bền vững.

Hiện nay, châu Âu, Mỹ, Nhật Bản là các thị trường có doanh số đứng top 3 trong xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam và các thị trường này đều có các yêu cầu về quản lý tài nguyên, yêu cầu phải chứng nhận thuỷ sản có nguồn gốc khai thác hợp pháp, quản lý và trách nhiệm. Vì vậy các doanh nghiệp phải tự nhận thức được vấn đề này và phải thay đổi để thích ứng.

“Chính bởi cạnh tranh toàn cầu sẽ là cơ hội để chúng ta thay đổi và thực hiện các quy định tốt để xuất khẩu tốt hơn. Đó là động lực để chúng ta thay đổi nhận thức và thực hiện các quy định mới của các thị trường để xuất khẩu thuận lợi”, ông Nguyễn Hoài Nam cho hay.

Ở góc độ thị trường xuất khẩu, khu vực Trung Đông đã nổi lên như một thị trường tiềm năng cho ngành xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Trong số các sản phẩm thủy sản xuất khẩu sang Trung Đông, cá ngừ và cá tra là hai mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất. Ngoài ra, cá tra phi lê, cắt khúc và cá nguyên con đông lạnh tiếp tục chiếm ưu thế nhờ vào tính tiện lợi và dễ chế biến, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của người tiêu dùng tại khu vực này.

Những quốc gia này không chỉ có nhu cầu tiêu thụ thủy sản cao mà còn có những tiêu chuẩn khắt khe như yêu cầu sản phẩm phải được chứng nhận Halal, điều này tạo ra cơ hội cho các nhà xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Điển hình, Israel là quốc gia nhập khẩu thủy sản lớn nhất trong khu vực, chiếm gần 30% giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Trung Đông, chủ yếu là cá ngừ đóng hộp. Mức tăng trưởng của thị trường này lên tới 35% trong 11 tháng năm 2024.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, với các nền kinh tế mạnh mẽ như Israel, Saudi Arabia, UAE và Qatar, Trung Đông là thị trường xuất khẩu thủy sản đầy tiềm năng, với mức tăng trưởng mạnh mẽ và nhu cầu tiêu thụ thủy sản cao.

Các sản phẩm như cá ngừ, cá tra và một số loại cá nước ngọt khác có cơ hội lớn để mở rộng thị phần tại khu vực này. Tuy nhiên, các nhà xuất khẩu cần chú trọng đến việc tuân thủ các tiêu chuẩn Halal và chuẩn bị kỹ lưỡng trước những yếu tố ảnh hưởng như tình hình chính trị và xung đột khu vực.

Ông Nguyễn Hoài Nam tin rằng, các doanh nghiệp sẽ chủ động hơn và đồng hành với địa phương, nhà nước, sẽ mở cửa thị trường, cùng nhau tháo rào cản... đưa thủy sản Việt Nam vươn xa hơn, phát triển bền vững ở các thị trường.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức tiến cũng cho rằng, trong bối cảnh nguồn nguyên liệu được cải thiện và thị trường xuất khẩu được mở rộng, thủy sản Việt Nam sẽ tiến xa hơn với mốc 11 tỷ USD. Đặc biệt, việc nâng cao chất lượng sản phẩm, cải thiện uy tín của các doanh nghiệp sẽ giúp thủy sản Việt Nam gia tăng thị phần, khẳng định vị thế của thủy sản Việt Nam trên trường quốc tế.