Nỗ lực khử carbon ngành thép châu Âu vừa chịu một cú sốc mới khi ArcelorMittal – tập đoàn thép lớn nhất thế giới – từ chối khoản trợ cấp công hơn 1 tỷ euro để chuyển đổi các nhà máy tại Đức sang sử dụng hydro xanh, theo Financial Times.
Công ty cho biết nguyên nhân là chi phí năng lượng quá cao. Trong khi đó, nhà sản xuất thép Thụy Điển SSAB cũng thừa nhận dự án thép phát thải thấp chủ lực của họ ở Bắc Cực bị trì hoãn do lưới điện thiếu ổn định.
Chi phí năng lượng chỉ là một trong nhiều trở ngại đối với các nhà sản xuất muốn hướng tới thép “xanh”. Những thách thức khác bao gồm vốn đầu tư ban đầu hàng tỷ euro, hạ tầng hydro chưa hoàn thiện và nhu cầu đối với các sản phẩm phát thải thấp – nhưng đắt đỏ – còn hạn chế.
“Bài toán kinh doanh với thép xanh ở châu Âu hiện chưa khả thi,” ông Axel Eggert, Tổng Giám đốc Hiệp hội ngành thép châu Âu (Eurofer), nhận định. “Một số đang đặt cược vào tương lai sáng sủa, trong khi nhiều người nói thẳng: ‘Tôi không có thời gian cho chuyện đó’.”
Dù vậy, một số lãnh đạo doanh nghiệp thừa nhận, một khi đã cam kết dự án thì buộc phải tiếp tục bất chấp chi phí cao.
Bà Marie Jaroni – Giám đốc chuyển đổi của Thyssenkrupp – cho biết công ty vẫn theo đuổi mục tiêu thép xanh, dù ngành đang đối mặt với “khủng hoảng” khiến việc ra quyết định đầu tư càng thêm khó khăn.
Ngành thép có vai trò thiết yếu tại châu Âu, chiếm khoảng 7% sản lượng toàn cầu, tạo doanh thu 191 tỷ euro và hơn 300.000 việc làm trực tiếp. Nhưng đây cũng là một trong những ngành phát thải lớn nhất, với các nhà máy thép EU xả thải khoảng 200 triệu tấn CO₂ mỗi năm – tương đương lượng phát thải cả năm của Hà Lan và chiếm khoảng 5% tổng lượng phát thải EU.
Theo cơ chế mua bán phát thải EU (ETS), các công ty thép phải mua giấy phép phát thải CO₂, qua đó tạo động lực cắt giảm phát thải. Tuy nhiên, lãnh đạo các doanh nghiệp cho biết họ đang bị cạnh tranh khốc liệt bởi thép giá rẻ phát thải cao nhập khẩu từ Trung Quốc.
Theo Ủy ban châu Âu, tình trạng dư thừa sản lượng do Trung Quốc sản xuất quá mức và nhu cầu toàn cầu giảm sút năm ngoái dẫn tới dư cung gấp 4 lần sản lượng thép hàng năm của EU.
Ông Markus Krebber – CEO tập đoàn năng lượng RWE của Đức – nhận định khử carbon đang bị đẩy xuống thấp trong danh sách ưu tiên, nhường chỗ cho bài toán chi phí. “Tốc độ chuyển đổi sẽ quyết định phần lớn chi phí. Chúng tôi cần thảo luận nghiêm túc về điều này.”
Tuần này, 10 nhà sản xuất thép lớn nhất châu Âu đã gửi thư yêu cầu Ủy ban châu Âu hành động mạnh mẽ hơn để bảo vệ ngành, cảnh báo rằng nếu không có biện pháp khẩn cấp, “tham vọng khí hậu và hàng chục dự án thép xanh của EU sẽ gặp rủi ro”.
Khử carbon trong sản xuất thép đòi hỏi chuyển đổi sang sử dụng hydro hoặc điện hóa toàn bộ quy trình để loại bỏ than coke. Hiện tại, khoảng 40% thép EU được sản xuất bằng lò điện, nhưng chưa đến 1% sử dụng hydro xanh và phần lớn vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm.
EU đặt mục tiêu giảm ít nhất 30% lượng khí thải ngành thép vào năm 2030 so với năm 2018. Việc giảm tiêu thụ năng lượng sẽ đóng vai trò then chốt, vì năng lượng hiện chiếm khoảng 17% chi phí sản xuất thép ở châu Âu. Tuy nhiên, giá điện EU hiện cao gấp đôi Mỹ, khiến biên lợi nhuận của các nhà máy lò điện bị bóp nghẹt.
Theo tổ chức phi lợi nhuận Mission Possible Partnership, trong số 1.600 tỷ USD các dự án công nghiệp sạch toàn cầu (như thép xanh, amoniac xanh), chỉ 10% nằm tại EU.
Ông Adair Turner – Chủ tịch Ủy ban Chuyển đổi Năng lượng – cảnh báo châu Âu có thể đánh mất năng lực sản xuất thép cơ bản vào tay các nước như Morocco, nơi có tiềm năng năng lượng mặt trời dồi dào.
Thụy Điển đang dẫn đầu về dự án thép xanh tại EU nhờ thủy điện dồi dào, nhưng cũng không tránh khỏi khó khăn. Stegra – công ty khởi nghiệp công nghiệp được hậu thuẫn bởi các gia tộc Agnelli, Maersk, Wallenberg và CEO Spotify – đang lên kế hoạch sản xuất tại Bắc Thụy Điển vào cuối năm sau, chậm hơn hai năm so với kế hoạch.
Hybrit – dự án đối thủ do ba tập đoàn nhà nước LKAB, SSAB và Vattenfall hậu thuẫn – cũng đang gặp trì hoãn.
CEO Stegra – ông Henrik Henriksson – cho rằng ngành thép xanh cần thay đổi cách truyền thông, nhấn mạnh đến “ổn định địa chính trị” và an ninh chuỗi cung ứng nhờ không phải phụ thuộc vào năng lượng và quặng sắt từ bên ngoài.
Ủy ban châu Âu dự kiến sẽ công bố gói hỗ trợ xuất khẩu mới cho ngành thép, có thể bao gồm điều chỉnh thuế biên carbon. Hôm thứ Tư, Ủy ban đã công bố hướng dẫn trợ cấp nhà nước nhằm khuyến khích đầu tư cắt giảm carbon.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp – bao gồm ArcelorMittal – cho rằng cơ chế thuế biên carbon hiện nay chưa đủ sức bảo vệ ngành thép EU khỏi sự cạnh tranh không công bằng từ hàng nhập khẩu phát thải cao như thép Trung Quốc.
Không chỉ châu Âu, Mỹ cũng đang gặp khó trong quá trình chuyển đổi sang thép xanh. Ông Todd Tucker – Giám đốc chính sách công nghiệp và thương mại tại Viện Roosevelt – cho biết dù giá năng lượng rẻ hơn, các nhà sản xuất Mỹ cũng đang đối mặt thách thức tương tự.
Ông đề xuất chính phủ cần theo đuổi chiến lược “toàn diện” kết hợp chính sách khí hậu, công nghiệp và kinh tế để tạo ra cả cung và cầu đủ mạnh giúp ngành thép – một ngành phát thải lớn – chuyển mình.
Ông Eggert (Eurofer) đồng tình: “Chúng ta vẫn có thể đạt được mục tiêu thép xanh ở châu Âu, nhưng chỉ khi các chính sách được triển khai nhanh chóng và hiệu quả.”