Hợp tác ở cửa hàng lớn

Trong phiên họp cổ đông bất thường ngày 25/12, cổ đông Công ty cổ phần Nhiên liệu Sài Gòn (Mã: SFC) đã đề nghị ban lãnh đạo xem xét việc hợp tác khai thác các mặt bằng, cửa hàng xăng dầu với công ty VinFast.

"Mời họ hợp tác đầu tư lắp đặt trạm sạc xe điện, VinFast sẽ đầu tư cơ sở vật chất cho công ty. Nếu hợp tác, công ty sẽ tận dụng được mặt bằng và tăng hiệu quả kinh doanh theo xu thế phát triển hiện nay", một cổ đông nêu.

Lãnh đạo SFC khẳng định đã phối hợp với VinFast để khảo sát các cửa hàng kinh doanh xăng dầu về việc đặt trạm sạc điện, nếu đạt chuẩn sẽ đầu tư.

Tuy nhiên, các cửa hàng này phải thẩm duyệt phòng cháy chữa cháy nếu đặt trạm sạc điện. Việc đặt trạm sạc cũng chiếm diện tích, ảnh hưởng đến hoạt động bán hàng và hiệu quả kinh doanh, đặc biệt là đối với các mặt bằng nhỏ.

"Do đó, công ty sẽ xem xét hợp tác tại những mặt bằng lớn và phù hợp với tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy", đoàn chủ tọa phát biểu.

Thực tế, đây không phải là đơn vị đầu tiên trong ngành bán lẻ xăng dầu có ý định hợp tác với hãng xe điện Việt Nam. Trước đó, Petrolimex đã triển khai những trạm sạc VinFast đầu tiên từ cuối năm 2022 để hiện thực hóa mục tiêu hơn 500 trạm sạc.

PVOIL cũng tận dụng cơ hội xe điện khi hợp tác phát triển tại hơn 300 cửa hàng. Công ty Xăng dầu Dầu khí Phú Yên đã thu hàng tỷ đồng từ việc cho VinFast đặt trạm sạc tại các cửa hàng xăng dầu...

Hiện VinFast vẫn hợp tác chính với đối tác nội bộ là V-Green để phát triển hệ thống hạ tầng trạm sạc. Mạng lưới 1.000 trạm sạc xe điện do PV Power quy hoạch trong giai đoạn 2025 - 2030 sẽ được chuyển giao cho V-Green tiếp tục nghiên cứu và phát triển.

Có kế hoạch tăng vốn

Trở lại với SFC, tiền thân là công ty chất đốt được thành lập từ năm 1975 đến nay. Công ty chuyên về kinh doanh nhiên liệu như xăng, dầu, nhớt, hơi gas LPG, bất động sản và đầu tư tài chính.

Theo báo cáo kinh doanh niên độ 2024 (10/2023-9/2024), công ty cho biết tình hình kinh doanh nhiều biến động khi mặt hàng xăng dầu đã bị điều chỉnh 50 lần. Tổng doanh thu 1.654 tỷ và lợi nhuận gần 24 tỷ đồng, thực hiện 92% và 81% kế hoạch năm.

Cụ thể, SFC đã bán ra hơn 86,8 triệu lít với doanh thu từ xăng dầu chiếm đến 1.625 tỷ đồng. Mảng kinh doanh dầu nhớt và khai thác mặt bằng thu về trên 25 tỷ đồng.

Sang niên độ 2025, công ty đặt mục tiêu tổng sản lượng 89 triệu lít xăng dầu và lợi nhuận trước thuế 26,4 tỷ đồng. Tỷ lệ cổ tức tối thiểu 12% trên vốn điều lệ (Cổ tức của năm 2024 là 15%, tương ứng gần 17 tỷ đồng).

SFC hiện có vốn điều lệ 113 tỷ đồng. Công đông lớn nhất cũng là công ty mẹ Dịch vụ Xăng dầu Hàng hải S.T.S (STS Petro) với việc nắm giữ 50,99% vốn, bên cạnh Công ty TNHH MTV Dầu khí Thành phố Hồ Chí Minh có 20,01% cổ phần và Chủ tịch HĐQT Lê Trọng Hiếu có 12,68%.

Đối với vấn đề tăng vốn điều lệ, HĐQT cho biết đã có chủ trương phát hành cổ phiếu để tăng vốn phục vụ đầu tư phát triển kinh doanh trong năm 2025. Công ty sẽ xây dựng phương án và lộ trình cụ thể để báo cáo ĐHĐCĐ gần nhất.

Về dự án 1A Phạm Ngọc Thạch, quận 1, TP HCM, công ty nói đang tiếp tục làm việc với công ty Thành Đô để phối hợp cấp giấy chứng khoán sở hữu công trình xây dựng trên khu đất theo quy định và giải quyết những tồn đọng trong hợp đồng.

SFC được cổ phần hóa năm 2000, niêm yết trên sàn HOSE từ 2004 với mã SFC. Mã chứng khoán này có thanh khoản thấp với thị giá quanh 22.000 đồng/cp, tương ứng giá trị vốn hóa khoảng 250 tỷ đồng.