Vẫn chưa có yêu cầu khởi xướng điều tra chính thức từ doanh nghiệp trong nước
Thời gian gần đây, lượng thép cuộn cán nóng (HRC) khổ lớn nhập khẩu vào Việt Nam có dấu hiệu tăng mạnh.
Báo Thanh Niên dẫn số liệu từ Cục Hải quan cho thấy riêng trong tháng 4, lượng thép HRC khổ lớn từ trên 1.880 mm trở lên nhập khẩu từ Trung Quốc tăng mạnh 81% so với cả quý I/2025 lên 214.000 tấn. Lũy kế 4 tháng, các loại thép HRC khổ rộng nhập từ Trung Quốc về Việt Nam là 335.000 tấn, gấp gần 4 lần so với cả năm 2024.
Điều này dấy lên nghi vấn rằng liệu rằng có hành vi lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại hiện đang áp dụng với mặt hàng thép HRC không?
Tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương diễn ra chiều ngày 19/6, chia sẻ với chúng tôi, ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ Thương mại cho biết đang có hiện tượng thép HRC khổ rộng trên 1.880 - 2.000 mm nhập khẩu nhiều vào Việt Nam. Đây là sản phẩm không nằm trong diện điều tra, áp thuế chống bán phá giá tạm thời theo quyết định hồi tháng 2.
Trước đó, ngày 21/2, Bộ Công Thương đã ban hành quyết định áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời đối với một số sản phẩm HRC nhập khẩu từ Trung Quốc. Mức thuế dao động trong khoảng 19,38% - 27,83% .
Phạm vi sản phẩm bị áp thuế tạm thời bao gồm thép không hợp kim và hợp kim, được cán phẳng, chưa gia công quá mức cán nóng, có chiều dày từ 1,2 mm đến 25,4 mm, chiều rộng từ 1.880 mm trở xuống và hàm lượng carbon dưới 3% (tính theo trọng lượng).
Ông Trung nhấn mạnh, phạm vi này về cơ bản trùng khớp với yêu cầu của ngành sản xuất trong nước, chỉ có sự điều chỉnh về hàm lượng carbon sau khi tham vấn các bên và xem xét thực tế sản xuất, nguyên liệu đầu vào cho các ngành cơ khí trong nước.
Đối với thông tin về việc một số doanh nghiệp có thể nhập khẩu HRC với khổ rộng lớn hơn 1.880 mm để lẩn tránh thuế, ông Trung cho biết Cục Phòng vệ Thương mại đã nhận được phản ánh và đang tích cực làm việc.
"Chúng tôi đã có kiến nghị và gửi thông tin cho Cục Hải quan để đề nghị tăng cường giám sát việc nhập khẩu các sản phẩm thép cán nóng có khổ rộng lớn hơn 1.880 mm, đảm bảo việc khai báo chính xác và ngăn chặn các trường hợp gian lận," ông Trung thông tin.
Tuy nhiên, ông cũng giải thích rõ, việc mở rộng điều tra sang các sản phẩm có khổ rộng lớn hơn phạm vi ban đầu sẽ phải tuân theo quy trình pháp luật về điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại.
“Chúng tôi phải xác định phạm vi hàng hoá áp dụng biện pháp chống bán phá giá dựa trên yêu cầu của các nhà sản xuất trong nước. Bản thân các doanh nghiệp trước đó cũng chỉ yêu cầu điều tra đến khổ 1.880 mm mà thôi. Nên nếu phải tiến hành điều tra sản phẩm khổ lớn thì sẽ phải mở cuộc điều tra riêng về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và dựa trên yêu cầu của doanh nghiệp”, ông Trung cho biết.
Theo lãnh đạo của Cục, cơ quan này đang tiếp tục trao đổi với các doanh nghiệp trong ngành sản xuất thép HRC để hướng dẫn và chuẩn bị các hồ sơ, cung cấp bằng chứng rõ ràng liên quan đến khả năng các sản phẩm có khổ rộng hơn 1.880 mm có thể lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại.
“Chúng tôi xác định rằng đây là vụ việc mà khi đưa ra quyết định sẽ ảnh hưởng đến rất nhiều đối tượng sản xuất, không chỉ là doanh nghiệp làm thép cán nóng mà là các doanh nghiệp ngành thép nói chung, ví dụ các sản phẩm thép hạ nguồn như ống thép, tôn mạ, cơ khí, đóng tàu….
Một số ngành vẫn cần đến thép HRC khổ lớn, trong khi trong nước chưa sản xuất được. Do vậy, chúng tôi sẽ cân nhắc kỹ để đảm bảo biện pháp phòng vệ thương mại được áp dụng đúng đối tượng, đúng mức độ”, ông Trung nói.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân khẳng định đối tượng hàng hoá được khởi xướng phụ thuộc hoàn toàn vào yêu cầu của doanh nghiệp sản xuất trong nước.
“Chúng tôi vẫn đang theo dõi sát sao hoạt động nhập khẩu thép HRCC khổ rộng và đang thu thập số liệu. Bộ Công Thương sẽ thực hiện triệt để các biện pháp để bảo vệ ngành sản xuất trong nước. Tuy nhiên, các biện pháp này cũng phải thực hiện theo đúng quy định, cam kết của Việt Nam với quốc tế”, thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết.
Phía Trung Quốc hiện cũng đang có động thái về vấn đề này. Trao đổi tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2025, ông Nghiêm Xuân Đa, Tổng giám đốc Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNSteel, Mã: TVN), đồng thời là Chủ tịch VSA, cho biết các doanh nghiệp Trung Quốc cũng đã thuê luật sư để phản bác lại rằng mặt hàng cán nóng khổ lớn này không phải hàng hoá tương tự với hàng Việt Nam sản xuất do thép HRC của Hoà Phát và Formosa có khổ hẹp hơn.
Thép HRC khổ lớn nhập khẩu vào Việt Nam dùng để làm gì?
Theo ông Trung thép HRC khổ lớn nhập khẩu vào Việt Nam dùng nhiều cho công nghiệp đóng tàu, chiếm khoảng 1/6 lượng nhập khẩu. Bên cạnh đó, một số công trình lớn trong nước cũng cần dần đến loại thép này. Tuy nhiên, phần còn lại, cơ quan phòng vệ thương mại chưa thể xác định được mục đích sử dụng do doanh nghiệp nhập khẩu chưa khai báo cụ thể.
Đối với các doanh nghiệp sản xuất thép hạ nguồn là tôn mạ, ống thép, ông Trung thông tin thêm, qua các đợt khảo sát của Cục, các doanh nghiệp này không sử dụng thép HRC khổ lớn về sản xuất do vấn đề chi phí và đầu tư máy móc.
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2025 diễn ra hồi cuối tháng 4, lãnh đạo của tôn Nam Kim cho biết việc mua hàng khổ lớn không hiệu quả về mặt kinh tế.
“Theo phân tích của chúng tôi, mặc dù thép HRC khổ lớn không nằm trong danh mục chịu thuế chống bán phá giá nhưng xét về các thông số kỹ thuật như độ dày, khổ rộng và giá thì việc nhập hàng này về cũng không hiệu quả. Do đó, chúng tôi chưa có ý định mua máy móc, thiết bị về xử lý loại thép HRC”, lãnh đạo của Nam Kim cho biết. Đồng thời, đại diện công ty cũng nói thêm mức chênh lệch của loại thép này so với việc mua HRC từ Hoà Phát và Formosa cũng không nhiều.
Còn tại Tôn Đông Á, chia sẻ với cổ đông tại ĐHĐCĐ thường niên 2025, lãnh đạo công ty cho biết: “Công ty nêu rõ quan điểm là không sử dụng HRC khổ lớn từ Trung Quốc để tránh rơi vào diện chịu thuế chống bán phá giá của Việt Nam”
Doanh nghiệp đã dừng mua HRC từ Trung Quốc kể từ tháng 1/2025 - trước thời điểm chính phủ Việt Nam áp dụng mức thuế tạm thời. Hiện tại, công ty chủ yếu sử dụng HRC từ nguồn nội địa, một phần từ Nhật Bản và một phần nhỏ từ khu vực Đông Nam Á, phù hợp với mục tiêu tiêu dùng cuối cùng (nội địa và xuất khẩu).