Lợi suất tăng vọt

Lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản kỳ hạn dài đang tiến gần tới mức cao kỷ lục, làm dấy lên nỗi lo rằng dòng vốn sẽ tháo chạy khỏi Mỹ và khiến các giao dịch carry trade đảo chiều.

Theo CNBC, lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 40 năm đã leo lên mức cao nhất mọi thời đại là 3,689% vào ngày 22/5 và sau đó giảm nhẹ.

Tuy nhiên, đến ngày 28/5, lợi suất đã nối lại đà tăng và hiện đang dao động quanh ngưỡng 3,318% - cao hơn gần 70 điểm cơ bản (bps) so với đầu năm nay.

Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 30 năm tăng hơn 60 bps so với đầu năm, đạt khoảng 2,914% - khá gần với mức cao kỷ lục. Lợi suất kỳ hạn 20 năm tăng hơn 50 bps trong cùng giai đoạn.

Nhóm nhà phân tích của ngân hàng Macquarie cảnh báo sự gia tăng của lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản có thể thúc đẩy nhà đầu tư Nhật Bản ồ ạt rút vốn khỏi Mỹ và đem tiền về nước.

Ông Albert Edwards, chuyên gia toàn cầu của ngân hàng Societe Generale Corporate & Investment Banking, cũng nói với CNBC rằng nếu lợi suất trái phiếu Nhật Bản tiếp tục lên cao, động thái đó có thể kích hoạt “một thảm họa trên thị trường tài chính toàn cầu".

Khi lợi suất trái phiếu tăng giúp đồng yen mạnh lên, nhà đầu tư Mỹ sẽ có xu hướng muốn đầu tư ra nước ngoài, vị chuyên gia giải thích. Ông nói thêm rằng cổ phiếu công nghệ Mỹ sẽ chịu ảnh hưởng đặc biệt nặng nề khi đồng yen mạnh lên, bởi trong thời gian qua nhóm này thu hút được nhiều vốn từ Nhật Bản.

Nhìn chung, lợi suất cao sẽ gây ra rắc rối cho mọi thị trường trên thế giới bởi nó sẽ kéo chi phí vay đi lên. Việc Nhật Bản là chủ nợ lớn thứ hai thế giới càng khiến mối nguy trở nên trầm trọng hơn. Trong năm 2024, tài sản ròng ở nước ngoài của Nhật Bản đã leo lên mức cao nhất mọi thời đại là 533.050 tỷ yen (tương đương khoảng 3.700 tỷ USD).

Ông David Roche, chuyên gia của Quantum Strategy, ước tính: “Thanh khoản trên toàn cầu bị thu hẹp sẽ khiến tốc độ tăng trưởng của thế giới giảm 1%. Và khi lợi suất kéo lãi suất dài hạn đi lên, các điều kiện tài chính sẽ bị thắt chặt, nối dài đà giảm sâu của hầu hết các tài sản”.

Nỗi lo về carry trade

Ông Rong Ren Goh, nhà quản lý danh mục của Eastspring Investments, cho biết lý do lợi suất dài hạn của Nhật Bản tăng mạnh là các công ty bảo hiểm nhân thọ của nước này hầu như đã mua đủ số trái phiếu theo quy định.

Trong khi đó, các công ty bảo hiểm nhân thọ lại là bên mua hàng đầu của trái phiếu chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 30 và 40 năm. Do đó, đây là vấn đề mang tính cấu trúc, không phải rắc rối nhất thời.

Trong bối cảnh ngân hàng trung ương Nhật Bản cắt giảm hoạt động mua trái phiếu và các tay chơi tư nhân không tiến lên thế chỗ, sự chênh lệch cung - cầu nhiều khả năng sẽ tiếp tục kéo lợi suất đi lên.

Chuyên gia Edwards của Societe Generale nói tiếp: “Nếu lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản tăng mạnh và thúc đẩy nhà đầu tư Nhật Bản về nước, cuộc đảo chiều của các giao dịch carry trade có thể gây ra chấn động lớn trên thị trường tài chính Mỹ”.

Trong chiến lược carry trade, nhà đầu tư thường đi vay bằng một loại tiền tệ có lãi suất thấp - thường là đồng yen - và tái đầu tư vào tài sản của một quốc gia khác có tỷ suất sinh lời cao hơn.

Tháng 8 năm ngoái, các giao dịch carry trade bằng đồng yen đã đảo chiều mạnh mẽ sau khi ngân hàng trung ương Nhật Bản tăng lãi suất, giúp đồng nội tệ mạnh lên và kích hoạt cuộc bán tháo lớn trên thị trường toàn cầu.

Ông Michael Gayed, nhà quản lý danh mục tại Tidal Financial Group, nhận xét: “Nhật Bản giống như một quả bom hẹn giờ. Nếu niềm tin vào một trong những tài sản an toàn truyền thống của thị trường tài chính suy sụp, niềm tin vào thị trường toàn cầu có nguy cơ đổ vỡ theo”.

Ông nói thêm rằng trái với suy nghĩ của nhiều người, cú sốc carry trade vào tháng 8 năm ngoái không phải kiểu tai ương “chỉ xảy đến một lần”.

Một trong những mục tiêu chính của chính quyền Tổng thống Donald Trump là đẩy lợi suất ở Mỹ đi xuống, làm suy yếu đồng USD để khắc phục tình trạng mất cân bằng thương mại toàn cầu.

Nếu điều đó xảy ra cùng với thời điểm lợi suất trái phiếu Nhật Bản gia tăng thì đồng yen sẽ trở nên đắt giá hơn, làm sụp đổ nền tảng của chiến lược dùng yen để tái cấp vốn cho giao dịch carry trade. Giá yen đã tăng hơn 8% kể từ đầu năm đến nay.

Ông Gayed chỉ ra: “Điều đó có thể khiến rất nhiều nhà đầu tư đóng vị thế bán khống đồng yen, dẫn tới việc thị trường náo loạn giống như những gì xảy ra vào tháng 8/2024”.

Bà Alicia García-Herrero, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương của ngân hàng Natixis, cảnh báo cú sốc carry trade tiếp theo sẽ tồi tệ hơn cả tháng 8 năm ngoái.