Nguy cơ suy thoái đáng lo hơn lạm phát
Ông Christopher Waller, Thống đốc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), cảnh báo ngân hàng trung ương này có thể cần giảm mạnh lãi suất để thúc đẩy nền kinh tế nếu Tổng thống Donald Trump áp đặt các mức thuế quan đối ứng cao sau thời gian tạm hoãn.
Tuần trước, ông Trump đã tạm hoãn thuế quan đối ứng trong vòng 90 ngày chỉ 13 giờ sau khi chúng có hiệu lực trong bối cảnh thị trường náo loạn và trái phiếu kho bạc Mỹ bị bán tháo. Đến cuối tuần, Mỹ thông báo tạm miễn trừ smartphone, thiết bị sản xuất chip và một số loại máy tính khỏi thuế quan đối ứng.
Thống đốc Fed bình luận nếu ông Trump tiếp tục ban hành các mức thuế quan cao sau giai đoạn tạm ngưng, nền kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng “cực kỳ chậm chạp” và tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng “đáng kể” từ 4,2% lên 5% vào năm tới. Khi đó, Fed có thể buộc phải nhanh chóng triển khai một chuỗi cắt giảm lãi suất “dựa trên tin xấu”.
Ông dự đoán tác động của thuế quan tới giá cả sẽ nhanh chóng tan biến, mở đường để Fed giảm lãi suất để đối phó với sự sa sút của nền kinh tế. Song, ông cũng lưu ý trong tương lai gần, lạm phát có thể lên tới 5%, theo Financial Times.
Thống đốc Waller phát biểu vào ngày 14/4 như sau: “Tôi dự kiến tác động của thuế quan tới lạm phát sẽ chỉ mang tính tạm thời. Tuy nhiên, tác động của thuế quan với sản lượng kinh tế và việc làm có thể kéo dài lâu hơn và trở thành yếu tố quan trọng trong việc xác định lập trường chính sách tiền tệ hợp lý.
Nếu nền kinh tế giảm tốc đáng kể và có nguy cơ xảy ra suy thoái, thì tôi sẽ có khuynh hướng ủng hộ cắt giảm lãi suất chính sách sớm hơn và nhiều hơn suy nghĩ trước đây”.
Quan điểm của ông Waller không trái ngược với những thành viên khác trong Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) - ủy ban ấn định lãi suất chính sách của Fed. Các quan chức này muốn duy trì cách tiếp cận “chờ đợi và quan sát”, tức là yêu cầu có thêm bằng chứng rõ ràng cho thấy nền kinh tế giảm tốc trước khi phản ứng bằng cách hạ lãi suất.
Thuế quan không thể phục hưng ngành sản xuất
Ông Trump đã nhiều lần kêu gọi Fed giảm lãi suất. Ông từng cáo buộc Chủ tịch Fed Jerome Powell quá chậm trễ trong việc giảm chi phí đi vay.
Fed đã duy trì lãi suất trong phạm vi 4,25% - 4,5% kể từ đầu năm 2025 đến nay giữa những tín hiệu cho thấy chính sách thương mại của chính quyền mới sẽ gia tăng áp lực lạm phát và kìm hãm tăng trưởng.
Khảo sát gần đây về tâm lý người tiêu dùng của Fed chi nhánh New York cho thấy công chúng Mỹ có quan điểm bi quan về thị trường lao động giống như Thống đốc Waller.
Cụ thể, theo kết quả công bố ngày 14/4, có tới 44% người trả lời nhận định tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng lên trong năm tới. Đây là tỷ lệ cao nhất kể từ đại dịch và tăng 10 điểm % kể từ khi ông Trump lên nắm quyền.
Ông Waller chia sẻ rằng mức thuế quan đối ứng mà Nhà Trắng công bố ngày 2/4 “cao hơn nhiều” những gì ông dự kiến. Ông nói thêm các mức thuế “cao và áp dụng rộng rãi như vậy” có khả năng gây ảnh hưởng đáng kể đến nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Vị thống đốc cho biết nếu trong giai đoạn tạm hoãn 90 ngày, các nước nỗ lực đàm phán để hạ thấp rào cản thương mại, Fed có thể “kiên nhẫn hơn” trong việc hạ lãi suất.
Ông Waller cũng bác bỏ quan điểm của chủ nhân Nhà Trắng rằng thuế quan có thể nhanh chóng đưa Mỹ quay trở lại thành siêu cường sản xuất.
Ông nhận xét: “Việc giữ các mức thuế quan cao [cho đến ít nhất là cuối năm 2027] chỉ là điều cần thiết nếu mục tiêu chính là tái thiết nền kinh tế Mỹ - hiện nay chủ yếu xoay quanh lĩnh vực dịch vụ - sang hướng tự sản xuất nhiều hàng hóa tiêu dùng hơn.
Nếu công cuộc chuyển đổi đó là khả dĩ thì nó sẽ là thay đổi lớn đối với Mỹ và chắc chắn sẽ cần nhiều thời gian hơn là ba năm”.