Tại Họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 8/1, trả lời câu hỏi của báo chí về mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm 2025 ở mức 8% và phấn đấu đạt 10%, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Đức Tâm cho biết, tại Nghị quyết số 158/2024 Quốc hội đã quyết nghị chỉ tiêu tốc độ tăng GDP là khoảng 6,5 - 7% và phấn đấu khoảng 7 - 7,5%.

Tuy nhiên, tại Nghị quyết số 01, Chính phủ đã yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương trong chỉ đạo, điều hành, quản lý phải phấn đấu phấn đấu tăng trưởng ít nhất 8% hoặc hai con số trong điều kiện thuận lợi hơn (cao hơn mục tiêu Quốc hội đề ra). Trong đó, yêu cầu tăng trưởng GRDP rất cao đối với các địa phương “đầu tàu” như Hà Nội, TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai… tối thiểu ở mức 8 - 10%.

Về cơ sở tăng trưởng, theo Thứ trưởng Tâm, trong bối cảnh tình hình mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng kinh tế được thừa hưởng, tiếp nối đà tăng trưởng cao của năm 2024 đạt 7,09%.

Chỉ ra 4 cơ sở để đạt mục tiêu tăng trưởng, Thứ trưởng cho biết, thứ nhất, hệ thống thể chế được hoàn thiện, là “đột phá của đột phá”; bộ máy được tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả. Bởi, năm 2024 Chính phủ đã trình nhiều luật, trong đó có những luật được các địa phương, doanh nghiệp đánh giá cao như “một luật sửa 4 luật” thuộc lĩnh vực kế hoạch và đầu tư; “một luật sửa 9 luật” thuộc lĩnh vực tài chính; Luật Đầu tư công… đã thể hiện được việc phân cấp phân quyền triệt để cho các địa phương.

“Phấn đấu tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV sắp tới, Chính phủ sẽ trình sửa đổi rất nhiều luật, trong đó có việc sửa Luật 69, Luật Doanh nghiệp… để cởi trói các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp”, Thứ trưởng nêu rõ nêu rõ.

Thứ hai, thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Trong đó, việc tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ theo hướng chủ động, linh hoạt, kịp thời và hiệu quả, phối hợp đồng bộ, hài hoà, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm.

Năm 2024, việc miễn, giảm, hoãn thuế khoảng 197.000 tỷ đồng, nhưng cuối năm vẫn tăng thu, khoảng 337.000 tỷ đồng và ngay từ đầu năm Chính phủ đã ban hành việc miễn, giảm, hoãn thuế cho doanh nghiệp, người dân đến hết tháng 6.

“Nếu như tạo điều kiện cho doanh nghiệp, sẽ thu được nhiều hơn, doanh nghiệp sẽ quay lại hoạt động và tin tưởng vào nền kinh tế hơn”, Thứ trưởng Tâm nêu.

Về đầu tư, kế hoạch vốn đầu tư công năm nay là khoảng 295.000 tỷ đồng, cộng với số chuyển tiếp của năm 2024, như vậy cả năm số vốn đầu tư công cần giải ngân sẽ hơn 300.000 tỷ đồng ( tương đương 12 tỷ USD).

"Nếu giải ngân được hết tất cả số vốn này sẽ tạo ra động lực thu hút các thành phần kinh tế khác để thúc đẩy động lực tăng trưởng", ông đánh giá.

Theo ông, kích cầu tiêu dùng trong nước sẽ là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2025. Một trong những trọng tâm là phát triển du lịch, với mục tiêu thu hút từ 120 - 130 triệu lượt khách nội địa và 20 triệu lượt khách quốc tế, góp phần tạo động lực mạnh mẽ cho các ngành liên quan.

Đồng thời, xuất khẩu cũng sẽ được đẩy mạnh thông qua việc tận dụng tối đa lợi thế từ 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã được ký kết.

Thứ ba, huy động tối đa các nguồn lực xã hội, khai thác hiệu quả nguồn lực từ doanh nghiệp nhà nước (DNNN), phát triển mạnh doanh nghiệp tư nhân. Trong đó, triển khai quyết liệt các giải pháp để huy động nguồn lực, khẩn trương tháo gỡ vướng mắc để khơi thông hiệu quả các nguồn lực từ thị trường bất động sản, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp.

Cùng với đó, nâng cao hiệu quả đầu tư, hoạt động của doanh nghiệp nhà nước một cách toàn diện, bền vững, tương xứng với nguồn lực nắm giữ. Tập trung phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng; phấn đấu năm 2025, tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP đạt khoảng 55%.

Cuối cùng, đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng chiến lược, nhất là các dự án trọng điểm quốc gia. Phấn đấu đến hết năm 2025 hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc và trên 1.000 km đường bộ ven biển.

Cụ thể, tập trung nâng cấp, mở rộng một số tuyến đường cao tốc theo quy mô quy hoạch. Làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư các công trình, dự án trọng điểm quốc gia giai đoạn 2026-2030.

Triển khai thực hiện hiệu quả Quy hoạch điện VIII; bảo đảm cung ứng đủ điện cho sản xuất kinh doanh và tiêu dùng cả trước mắt và lâu dài, nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách phát triển điện lực, năng lượng tái tạo, hydrogen; khởi động các dự án điện năng lượng hạt nhân.

Cùng với đó, việc xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế tại TP HCM và Đà Nẵng, Khu thương mại tự do tại một số địa phương trọng điểm về kinh tế sẽ thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế cao hơn.

“Đây là cuộc chơi mới để thu hút được thêm được các nguồn lực. Nếu chúng ta làm được việc này thành công thì sẽ có thêm nhiều nguồn lực cho tăng trưởng kinh tế”, Thứ trưởng khẳng định.