Chiều 4/1, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Ban Chỉ đạo về rà soát tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án (Ban Chỉ đạo 1568) đã làm việc với lãnh đạo TP HCM.
Trước đó, Thủ tướng đã ban hành quyết định kiện toàn Ban chỉ đạo về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, phát đi các công điện về tập trung giải quyết dứt điểm các dự án tồn đọng, dừng thi công, khẩn trương triển khai, hoàn thành, đưa vào sử dụng chống lãng phí, thất thoát.
Báo Chính phủ cho biết theo báo cáo của UBND TP HCM, thời gian qua, thành phố đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án trên địa bàn, theo Công điện số 112, Quyết định 1568 và các chỉ đạo của Thủ tướng.
Thành phố đã tổng hợp các dự án đầu tư, công trình đang gặp khó khăn, vướng mắc cần thiết phải kiến nghị các cơ quan Trung ương xem xét, giải quyết hoặc hướng dẫn giải quyết.
Theo đó, danh mục này gồm 12 công trình, dự án lớn tồn đọng, vướng mắc kéo dài, trong đó có 6 dự án đầu tư thuộc thẩm quyền giải quyết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cùng 3 dự án, 3 tài sản công vướng mắc thuộc thẩm quyền giải quyết của bộ.
Trong đó, đối với các dự án đầu tư, các khó khăn, vướng mắc chủ yếu liên quan giải phóng mặt bằng; điều kiện, mục tiêu sử dụng đất; chỉ tiêu quy hoạch của dự án thành phần; phương án tài chính của dự án; một số nội dung trong quyết định đầu tư cần điều chỉnh để phù hợp với quy định mới của pháp luật. Còn vướng mắc tại với các tài sản công đều liên quan sắp xếp lại cơ sở nhà đất do các bộ, ngành Trung ương quản lý.
Cùng với đó, TP HCM đã thống kê 66 dự án bất động sản vướng mắc, kéo dài, trong đó thành phố đã giải quyết được 34 dự án, còn 32 dự án cần tiếp tục giải quyết. Đồng thời, có 200 dự án khác đang tập hợp thông tin để tiếp tục báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Tại cuộc họp, các thành viên Ban Chỉ đạo 1568 và lãnh đạo TP HCM đã thảo luận, làm rõ phạm vi, đối tượng, nội dung khó khăn, vướng mắc của các dự án; đề xuất phương án xử lý theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn đối với từng dự án; nhiệm vụ, giải pháp, mục tiêu xử lý các vướng mắc tại các dự án.
Kết luận phiên họp,Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, qua rà soát, xử lý các dự án, Chính phủ cũng đã có thêm nhiều kinh nghiệm để trình Quốc hội thông qua Luật Đầu tư công (sửa đổi), luật sửa đổi 9 luật, luật sửa đổi 4 luật trong lĩnh vực tài chính, đầu tư; trong hơn 1 tháng qua, Chính phủ cũng đã ban hành hàng chục nghị định hướng dẫn.
Về công việc thời gian tới, với 6 dự án lớn thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thủ tướng cho biết dự án đô thị Đại học Quốc tế (xã Tân Thới Nhì, huyện Hóc Môn) đã được xem xét, chỉ đạo hướng giải quyết.
Với 5 dự án còn lại, trong đó có dự án chống ngập trị giá 10.000 tỷ đồng, các bộ, ngành, TPHCM và các địa phương đang đề xuất điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách, Chính phủ sẽ ban hành 1 nghị quyết để tháo gỡ. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần trình ban hành nghị quyết này trước ngày 15/1.
Thủ tướng chỉ đạo TP HCM tiếp tục căn cứ Nghị quyết 40/NQ-CP năm 2021 của Chính phủ về tiếp tục triển khai dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu giai đoạn 1; Nghị quyết 98 năm 2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM; và Nghị quyết mới của Chính phủ, xử lý theo thẩm quyền để các dự án tiếp tục thực hiện.
Với 200 dự án khác đang được thống kê, Thủ tướng yêu cầu TP HCM tiếp tục phân loại, làm rõ thẩm quyền xử lý, đề xuất phương án theo các luật mới được ban hành, Nghị quyết 98 của Quốc hội và các nghị định hướng dẫn của Chính phủ.
Với 32 dự án bất động sản còn lại và các dự án vướng mắc, kéo dài khác có thể tiếp tục được rà soát, thống kê thời gian tới, TP HCM tiếp tục xử lý theo các quy định, tiền lệ đã có. Còn các dự án chưa có quy định, chưa có tiền lệ thì tiếp tục báo cáo, đề xuất có thẩm quyền.
Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động phải quyết liệt, làm việc nào dứt việc đó, có trọng tâm, trọng điểm, phân công "rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian thực hiện, rõ hiệu quả, rõ sản phẩm"; không câu nệ, có thông tin tới đâu thì xử lý tới đó, việc đã chín, đã rõ thì quyết định, việc chưa rõ, chưa chín thì tiếp tục thu thập thông tin đầy đủ; giải quyết nhanh, hiệu quả, kịp thời nhưng đặc biệt lưu ý không để sai chồng sai, tiêu cực, lãng phí.
Thủ tướng chỉ rõ, vấn đề gì thuộc thẩm quyền của thành phố thì thành phố phải giải quyết, vấn đề gì thuộc thẩm quyền các bộ, ngành thì các bộ, ngành phải giải quyết, vấn đề gì thuộc thẩm quyền thuộc Thủ tướng thì Thủ tướng phải giải quyết, vấn đề gì thuộc thẩm quyền của Chính phủ thì Chính phủ phải giải quyết, vấn đề gì còn vướng mắc về luật pháp thì sẽ đề xuất Quốc hội xem xét, giải quyết.