Báo cáo Bộ Thương mại Mỹ công bố ngày 30/5 cho thấy lạm phát tháng 4 - đo lường theo thước đo ưa thích của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) - hầu như không thay đổi so với tháng liền trước.
Cụ thể, chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCEPI) tháng 4 chỉ đi lên 0,1% so với tháng 3 và tăng 2,1% so với cùng kỳ năm trước.
Mức tăng hàng tháng phù hợp với dự báo của giới chuyên gia trong khảo sát của Dow Jones, còn mức tăng so với một năm trước thì thấp hơn 0,1 điểm %.
Khi không tính giá thực phẩm và năng lượng dễ biến động, PCEPI lõi nhích 0,1% so với tháng liền trước và tăng 2,5% so với cùng kỳ. Ước tính về hai số liệu này trong khảo sát của Dow Jones lần lượt là 0,1% và 2,6%.
Song, chi tiêu tiêu dùng đã giảm tốc đáng kể, chỉ tăng hơn 0,2% trong tháng 4, chậm hơn hẳn tốc độ ghi nhận vào tháng 3 là 0,7%.
Một dấu hiệu khác cho thấy người tiêu dùng đang trở nên thận trọng hơn là tỷ lệ tiết kiệm cá nhân vọt lên 4,9% - mức cao nhất trong gần một năm - và cao hơn 0,6 điểm % so với tháng 3.
Thu nhập cá nhân của người Mỹ tăng 0,8% trong tháng 4, cao hơn hẳn dự báo 0,3% của giới chuyên gia.
Tuy nhiên, thị trường chứng khoán Mỹ hầu như không hào hứng với thông tin tích cực về lạm phát. Các hợp đồng tương lai chỉ số chứng khoán Mỹ vẫn đang đi xuống, tờ CNBC đưa tin.
Không lâu trước khi báo cáo lạm phát tháng 4 được công bố, ông Trump đã lên mạng xã hội và cáo buộc Trung Quốc vi phạm thỏa thuận thương mại đạt được với Mỹ hồi giữa tháng 5. Ông viết: “Có lẽ đây không phải điều hoàn toàn đáng ngạc nhiên, Trung Quốc đã vi phạm thỏa thuận với chúng ta. Kết cục của việc làm người tốt là thế đấy!”
Trong bối cảnh lạm phát về gần với mục tiêu 2% của Fed, Tổng thống Trump đã và đang thúc đẩy Fed hạ lãi suất chính sách để kích thích nền kinh tế. Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách muốn quan sát thêm tác động từ chính sách thương mại của Nhà Trắng.
Các nhà kinh tế lo ngại rằng thuế quan có thể khiến lạm phát bùng lên trở lại, dù dữ liệu lịch sử cho thấy tác động của chúng tới giá cả thường không lớn.
Tại cuộc họp chính sách hồi đầu tháng 5, các nhà hoạch định chính sách của Fed cũng bày tỏ nỗi lo về nguy cơ lạm phát nóng lên vì thuế quan, đặc biệt là vào thời điểm các nỗi lo về thị trường lao động đang gia tăng.
Giá cả tăng và tăng trưởng kinh tế giảm tốc có thể gây ra lạm phát đình trệ - cơn ác mộng đối với mọi nhà hoạch định chính sách.