Giàu nứt đố đổ vách

Đã giàu lại càng giàu thêm là mô tả phù hợp cho 500 người giàu nhất thế giới trong năm 2024. Với sự dẫn đầu của Elon Musk, Mark Zuckerberg và Jensen Huang, tổng tài sản ròng của nhóm này đã chạm một cột mốc mới là 10.000 tỷ USD.

Theo dữ liệu của World Bank, con số đó hiện tương đương với tổng sản phẩm quốc nội năm 2023 của ba nền kinh tế hàng đầu thế giới là Đức, Nhật Bản và Australia.

Đà tăng mạnh mẽ của các cổ phiếu công nghệ Mỹ là động lực quan trọng thúc đẩy sự giàu có của ba cái tên nói trên, cùng những tỷ phú khác như Larry Ellison, Jeff Bezos, Michael Dell và hai đồng sáng lập Google Larry Page và Sergey Brin.

Dữ liệu từ Bloomberg Billionaires Index cho thấy khối tài sản ròng của 500 người giàu nhất thế giới tăng thêm 1.500 tỷ USD trong năm 2024 và chỉ riêng 8 ông trùm công nghệ đã kiếm được hơn 600 tỷ USD.

Trong đó, Elon Musk - đồng minh thân cận của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump - là người đứng đầu danh sách. Mối quan hệ thân thiết với ông Trump đã giúp nâng cao giá trị các công ty của Musk. Nhờ đó, khối tài sản ròng của Musk đã chạm mức chưa từng có là 432 tỷ USD, tăng 203 tỷ USD so với đầu năm.

Tại ngày 17/12, mức chênh lệch giữa khối tài sản ròng của Musk và Bezos là 237 tỷ USD. Đây là khoảng cách lớn nhất từng được ghi nhận giữa người đứng đầu và thứ hai trong danh sách của Bloomberg.

Nhìn chung thì trong năm qua, những người giàu nhất thế giới đều được hưởng lợi đáng kể từ thị trường chứng khoán. Bất chấp những dự đoán bi quan, chỉ số S&P 500 đã bật tăng hơn 24%, được thúc đẩy bởi nhóm nhỏ cổ phiếu được gọi là “Magnificent Seven”.

“Magnificent Seven” là 7 cổ phiếu công nghệ vốn hoá lớn tại Mỹ bao gồm Apple, Amazon, Alphabet (công ty mẹ Google), Meta Platforms (công ty mẹ Facebook), Microsoft, Nvidia và Tesla. Nhóm này chiếm hơn một nửa mức tăng của S&P 500 trong năm 2024.

Chiến thắng của ông Trump cũng giúp tài sản của các tỷ phú thêm phình to. Bằng chứng là S&P 500 đã đạt mức cao nhất mọi thời đại vào ngày 6/11 (một ngày sau cuộc bầu cử).

Thắng lợi của ông Trump còn châm ngòi cho một đợt tăng giá kỷ lục của các tài sản số, giúp bitcoin lần đầu tiên vọt lên trên mốc 100.000 USD. Các tỷ phú tiền số nhờ vậy cũng được hưởng lợi.

Chẳng hạn, nhà sáng lập Changpeng Zhao (CZ) của Binance chứng kiến khối tài sản ròng tăng 60% lên 55 tỷ USD. Giá trị tài sản ròng của ông Brian Armstrong, đồng sáng lập Coinbase, cũng nhảy vọt hơn 50% lên 11,1 tỷ USD.

Ai đang vui mừng?

Theo Bloomberg, ông Trump là một trong những người chiến thắng trong năm qua. Tài sản ròng của chủ nhân Nhà Trắng tương lai đã tăng vọt lên mức kỷ lục trong năm 2024 nhờ lượng lớn cổ phần của ông trong Trump Media & Technology Group (DJT).

Dù công ty truyền thông xã hội này ghi nhận khoản lỗ 19,2 triệu USD trong quý trước, mã cổ phiếu DJT vẫn phi mã 95% trong năm 2024, giúp nâng vốn hoá thị trường lên hơn 7 tỷ USD.

CEO Jensen Huang của gã khổng lồ bán dẫn Nvidia cũng nên ăn mừng. Nhờ sự bùng nổ của công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), khối tài sản ròng của ông Huang đã tăng thêm 76 tỷ USD.

Cổ phiếu Nvidia nhảy vọt gần gấp ba lần trong năm qua và công ty đã lần đầu tiên trở thành doanh nghiệp giá trị nhất thế giới vào tháng 6.

CEO Mark Zuckerberg của Meta Platforms cũng không phải ngoại lệ khi tài sản ròng của người đàn ông giàu thứ ba thế giới tăng 81 tỷ USD lên 207 tỷ USD.

Bất chấp khoản tiền phạt chống độc quyền khổng lồ 841 triệu USD từ Liên minh châu Âu và sự hoài nghi của nhà đầu tư đối với kế hoạch AI của công ty, cổ phiếu Meta vẫn bật tăng gần 70% trong năm qua.

Huyền thoại đầu tư Warren Buffett vẫn miệt mài kiếm tiền dù đã ngoài 90 tuổi. Tính đến thời điểm cuối năm 2024, khối tài sản ròng của Buffett đạt 142 tỷ USD, xếp thứ 10 thế giới.

Phần lớn khối tài sản của nhà đầu tư huyền thoại đến từ lượng lớn cổ phiếu ông nắm giữ trong tập đoàn Berkshire Hathaway. Vào cuối tháng 8, Berkshire cũng đón cột mốc chưa từng có khi trở thành công ty ngoài lĩnh vực công nghệ duy nhất tại Mỹ chạm mốc vốn hoá 1.000 tỷ USD.

Các tỷ phú Trung Quốc như CEO Pony Ma của Tencent Holdings, Chủ tịch Lei Jun của Xiaomi và đồng sáng lập Chen Tianshi của Cambricon Technologies cũng có một năm đáng mừng.

Tổng tài sản ròng của các doanh nhân Trung Quốc đã tăng thêm 14% trong năm 2024, đảo ngược ba năm thua lỗ liên tiếp do cuộc khủng hoảng bất động sản và chiến dịch thắt chặt kiểm soát các công ty công nghệ lớn của Bắc Kinh.

Ai có thể đang buồn?

Các tỷ phú hàng xa xỉ Pháp là những người mất nhiều hơn trong năm qua, với những cái tên tiêu biểu như Bernard Arnault, Francoise Bettencourt Meyers và Francois Pinault.

Sau nhiều năm tăng trưởng tốt nhờ đại dịch, doanh số bán hàng xa xỉ trên toàn cầu đã chững lại, đặc biệt là tại thị trường trọng điểm Trung Quốc. Vì vậy, tài sản ròng của ba tỷ phú nêu trên đã mất tổng cộng 71 tỷ USD.

Ông trùm thương mại điện tử Colin Huang là người ghi nhận khối tài sản ròng giảm mạnh nhất trong số những tỷ phú Trung Quốc.

Người đàn ông đứng sau sàn thương mại điện tử giá rẻ Temu trở thành người giàu nhất Trung Quốc trong khoảng thời gian chóng vánh vào tháng 8. Tuy nhiên, sau khi báo cáo lợi nhuận kém khả khiến cổ phiếu Pinduoduo lao dốc 29% chỉ trong một ngày, tài sản ròng của ông Huang đã mất tổng cộng 18 tỷ USD.