Bàn về các động lực tăng trưởng kinh tế năm 2025 tại Diễn đàn Kịch bản Kinh tế Việt Nam lần thứ 17 - VESF 2025 diễn ra chiều 7/1, TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho hay, theo thống kê của các chuyên gia, trong cơ cấu đóng góp vào GDP năm 2024, đầu tư chiếm hơn 30%, tiêu dùng trên 63% và còn lại là xuất nhập khẩu.

"Điều này đánh giá tiêu dùng cuối cùng là động lực tăng trưởng rất mạnh và quyết định tăng trưởng của nền kinh tế", TS. Nguyễn Bích Lâm đánh giá.

Ông cũng cho biết, tính theo phương pháp sử dụng trong mức tăng 7,09% của GDP năm 2024, tiêu dùng cuối cùng, gồm chi tiêu của hộ gia đình và tiêu dùng Chính phủ. Trong khi đó, tiêu dùng Chính phủ chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong tổng tiêu dùng tăng 6,57%, tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tăng 5,9%.

Nhắc lại thời kỳ trước COVID-19, ông Lâm cho biết, tổng mức bán lẻ theo giá hiện hành thời điểm này thường đạt tăng trưởng hai con số, theo giá so sánh là xấp xỉ 10%, thường ở mức 8 - 9%. Nhưng trong những năm vừa qua, tổng mức bán lẻ chỉ ở khoảng 5,9 - hơn 6%.

Những kết quả này đã cho thấy động lực tiêu dùng cuối cùng của nền kinh tế trong những năm vừa qua đã có chuyển biến nhưng rất chậm.

Cần chính sách để người dân có thêm thu nhập cho chi tiêu

Dự báo về tăng trưởng kinh tế trong năm 2025 và những năm tiếp theo, TS. Nguyễn Bích Lâm cho rằng tiêu dùng cuối cùng vẫn là động lực rất mạnh vì tiêu dùng cuối cùng chiếm tới 2/3 GDP của toàn nền kinh tế. Do đó, cần có các giải pháp để kích thích động lực tiêu dùng cuối cùng.

"Để có thể tiêu dùng, người dân phải có thu nhập. Vì vậy, cần phải có chính sách để tất cả người lao động đều có thu nhập và là thu nhập khả dụng, tức là thu nhập do bản thân làm ra hoặc do chuyển nhượng. Tiếp đó, cần có sản phẩm đảm bảo chất lượng và giá cả phải chăng, bao gồm cả hàng hoá và dịch vụ", chuyên gia phân tích.

Bên cạnh đó, để tiêu dùng có thể tác động vào tăng trưởng chung, người dân cần tiêu dùng hàng hoá và dịch vụ sản xuất trong nước. Tiêu dùng hàng hoá nhập khẩu hay nhập khẩu dịch vụ sẽ vô hình trung làm GDP giảm, ông đánh giá.

Nhắc về câu chuyện xuất nhập khẩu du lịch, ông Lâm cho biết năm vừa qua, cả nước đón được 17,6 triệu khách du lịch, gần đạt mục tiêu 18 triệu khách. Lượng khách quốc tế đến tăng trên 33%, doanh thu xuất khẩu dịch vụ du lịch đạt 12,17 tỷ USD. Trong khi đó, nhập khẩu dịch vụ du lịch 12,57 tỷ USD. Như vậy, riêng du lịch, Việt Nam đã nhập siêu hơn 380 triệu USD.

“Chúng ta đón 17,6 triệu khách quốc tế, nhập khẩu dịch vụ du lịch 12,57 tỷ USD, trong khi chỉ có 5,3 triệu người Việt Nam đi ra nước ngoài. Như vậy 5,3 triệu người Việt Nam chi tiêu ở nước ngoài còn nhiều hơn 17,6 triệu khách quốc tế đến Việt Nam. Nếu chúng ta có chính sách tốt, thu hút người Việt du lịch trong nước sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế rất tốt”, TS. Nguyễn Bích Lâm khẳng định.

Như vậy tại sao người Việt lại du lịch nước ngoài và chi tiêu ở đó nhiều đến thế? Theo TS. Nguyễn Bích Lâm, điều này liên quan đến các vấn đề về hàng hoá và giá vé.

Nêu dẫn chứng cụ thể trong năm 2024, khi giá vé máy bay chặng từ Hà Nội đến TP HCM đắt hơn các chặng bay nước ngoài, rất nhiều gia đình đã chọn du lịch nước ngoài thay vì du lịch trong nước vào các dịp lễ như 30/4 - 1/5 hay dịp Quốc khánh 2/9. Theo đó, ông đề nghị Chính phủ cần quan tâm tới vấn đề này bởi giá vé máy bay đã chiếm tới 1/3 chi phí du lịch.

“Để kích cầu tiêu dùng trong nước, kích thích tăng trưởng GDP, người dân Việt Nam phải chi tiêu hàng hoá và dịch vụ sản xuất trong nước. Nếu người dân chi tiêu hàng hoá và dịch vụ nhập khẩu thì vô hình trung sẽ khiến GDP giảm. Tuy nhiên, để kích cầu tiêu dùng, cần có các chính sách tác động làm tăng thu nhập của các hộ gia đình", TS. Nguyễn Bích Lâm nhấn mạnh.

Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê kiến nghị Chính phủ có các giải pháp hỗ trợ để người lao động sẵn sàng tìm kiếm việc làm.

Ông cũng chỉ ra rằng, thị trường lao động tại Việt Nam đang gặp tình trạng đáng lo ngại là khu vực phi chính thức chiếm tỷ trọng rất lớn, nhiều người dân không muốn vào doanh nghiệp làm việc, đặc biệt là sau đại dịch COVID-19. Vì vậy, ông đề xuất có các chính sách để tạo việc làm, giúp người lao động tìm kiếm được việc làm và an tâm làm việc ở khu vực chính thức.

Tiếp đó, cần có chính sách để người dân có thêm thu nhập cho chi tiêu, cụ thể là chính sách thuế chính sách thuế. Theo quy định hiện hành, lạm phát của nền kinh tế trong nhiều năm phải khoảng 20% thì mới điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh.

Tuy nhiên, với mức lạm phát được kiểm soát trong khoảng 3% như hiện nay, nếu chờ đợi đến khi lạm phát rất cao mới điều chỉnh thì mức thuế giảm trừ gia cảnh đã ảnh hưởng nhiều đến thuế thu nhập của gia đình. Vì vậy, cần phải có cái chính sách thuế phù hợp và có thể áp dụng cho từng tầng lớp dân cư từ thu nhập thấp, trung bình tới cao.

Một chính sách thuế khác cũng tác động tốt tới kích cầu tiêu dùng là chính sách VAT. Chính sách này đã được thực hiện trong những năm vừa qua, giúp giảm giá hàng hoá và dịch vụ cho người tiêu dùng.

Đa dạng hàng hoá, dịch vụ và các hình thức thương mại

Về giải pháp để sản xuất các sản phẩm đa dạng, chất lượng và có giá thành phù hợp, TS. Nguyễn Bích Lâm đề xuất có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá sản xuất của nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ trong năm 2024 tăng khá mạnh. Trong đó, chỉ số ra sản xuất của nông nghiệp tăng trên 8%, chỉ số giá sản xuất của công nghiệp chỉ tăng 0,56% vì các doanh nghiệp đã cắt giảm lợi nhuận để có thể bán được hàng, đầu ra tăng thấp nên giá sản xuất tăng thấp nhưng chi phí đầu vào vẫn cao. Chỉ số giá sản xuất dịch vụ tăng gần 6%.

Đây là những yếu tố làm cho giá thành sản phẩm tăng và giá bán ra ngoài thị trường cũng tăng. Vì vậy, ông kiến nghị Chính phủ có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, cả trong việc đổi mới công nghệ để nâng cao năng suất lao động, giảm giá thành sản phẩm và đảm bảo chất lượng sản phẩm.

Một yếu tố khác tác động đến tiêu dùng được ông Nguyễn Bích Lâm nêu tại diễn đàn là hình thức thương mại. Hiện tại, thương mại vẫn phụ thuộc rất lớn vào hình thức truyền thống, cụ thể là các chợ truyền thống. Thời gian tới, cần đẩy mạnh các hình thức thương mại hiện đại và thương mại điện tử.

Hai xu hướng này sẽ phát triển rất mạnh tại Việt Nam bởi những ưu điểm như nắm bắt thị trường nhanh, thanh toán tiện lợi, mua bán tiện lợi khi có thể mua bán mọi lúc, mọi nơi.

Thêm vào đó, theo thống kê, hiện cả nước có khoảng 30 triệu dân thuộc tầng lớp trung lưu và sẵn sàng mua bán những hàng hoá đảm bảo chất lượng và mẫu mã tốt. Vì vậy, cần tận dụng những lợi thế này để phát triển thương mại điện tử và thương mại điện đại.

Ngoài ra, ông Lâm kiến nghị Chính phủ có những chính sách tài khoá hỗ trợ người dân, chính sách tín dụng cho tiêu dùng.

“Cần có những giải pháp đồng bộ trên các mảng lớn để tăng thu nhập, tăng sản phẩm, giảm giá thành sản phẩm, sản phẩm đa dạng, đồng thời phát triển cả ba hệ thống thương mại. Có như vậy mới có thể tích cầu tiêu dùng”, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê khẳng định.

Thương mại và TMĐT giai đoạn 2025 - 2030 phải tăng khoảng 20%

Trước đó, chia sẻ với ban tổ chức diễn đàn, ông Nguyễn Anh Đức, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ cho biết, quy mô của thương mại hiện đạt 155 tỷ USD, đóng góp lớn trong tổng GDP.

Để GDP đạt tốc độ tăng trưởng hai con số, ông Đức cho rằng thương mại và thương mại điện tử cần duy trì tốc độ tăng trưởng khoảng 20%, xuyên suốt trong giai đoạn từ năm 2025 - 2030.

Ông Đức cũng cho biết, thương mại hiện đại đang chiếm tỷ trọng khá nhỏ đối với thương mại truyền thống. Hiện tại, cả nước có khoảng 9.000 chợ, 1,4 triệu cửa hàng bán lẻ tạp hoá. Với quy mô phát triển hiện nay, thương mại truyền thống đang đóng góp khoảng 75% trong thị phần chung của thương mại.

Theo ông Đức, để đạt được mục tiêu tăng trưởng thương mại 20%, mỗi ngành, mỗi góc độ của cả thương mại truyền thống và hiện đại đều phải có sự tăng trưởng nhanh. Trong đó, thương mại truyền thống cần giữ những cốt lõi phù hợp với đặc điểm của thị trường và thương mại hiện đại phải có những nhu cầu dẫn dắt để thị trường phát triển.