Trong báo cáo triển vọng đầu tư năm 2025, Chứng khoán Shinhan Việt Nam (SSV) cho rằng mức tăng trưởng tín dụng của toàn nền kinh tế có thể vượt mức dự phóng trước đó khoảng 13 - 14% (của SSV) và hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 15% cho năm 2024.

Tính đến ngày 22/11/2024, dư nợ tính dụng toàn nền kinh tế tăng 11,12% (cao hơn so với mức với 9,19% của cuối tháng 11/2023). Nhờ hoạt động sản xuất, xuất khẩu phục hồi cùng với các dự án đầu tư công tín dụng của ngân hàng có sự tăng trưởng đồng đều hơn thay vì chỉ tập trung vào nhóm công ty. phát triển bất động sản.

Cập nhật mới nhất theo số liệu Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến ngày 13/12, tăng trưởng tín dụng nền kinh tế đạt 12,5%, tín dụng tập trung vào các sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, cách mục tiêu cả năm 2,5 điểm %.

Dựa trên những cơ sở đó, các chuyên gia kỳ vọng tăng trưởng tín dụng sẽ duy trì mức tăng trưởng 15% trong năm 2025. Đồng thời, báo cáo SSV cho biết mặc dù mức tăng trưởng không có nhiều sự khác biệt giữa năm 2024 và 2025, tuy nhiên các chuyên gia kỳ vọng cơ cấu tín dụng sẽ có sự thay đổi khi nhóm tín dụng bán lẻ sẽ tăng tốc trong nửa cuối năm 2025 và dẫn dắt đà tăng trưởng chung của nền kinh tế như giai đoạn 2021 - 2022.

Theo tổng hợp của SSV, tăng trưởng tín dụng 9 tháng đầu năm của 18 ngân hàng niêm yết đạt mức 11,4%, tăng trưởng khả quan nhờ đầu tư công, mở rộng hoạt động sản xuất và nhu cầu đi vay người dân có dấu hiệu tăng trưởng nhẹ trở lại.

Đáng chú ý, trong quý III/2024, một số ngân hàng có tỷ trọng bán lẻ cao đã có mức tăng trưởng tín dụng khả quan hơn bao gồm VIB (tăng 6,9%), TPBank (tăng 9,5%), Sacombank (tăng 5%), OCB (tăng 3,9%).

Liên quan đến lãi suất, báo cáo SSV cho hay lãi suất cho vay bình quân đã giảm rất nhanh trong năm 2024 (bình quân quanh mức 6,7-9,1% trong tháng 10/2024) và bình quân lãi suất cho vay trên thị trường đã quay về vùng lãi suất thấp của 2021-2022. Các chuyên gia cho rằng lãi suất có thể ổn định tại vùng này cho phần còn lại của năm 2024 và có thể tăng nhẹ khoảng 0,5% trong năm 2025.

Theo số liệu cập nhật của NHNN, mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm khoảng 2,5% trong năm 2023 và tiếp tục có xu hướng giảm trong 10 tháng đầu năm 2024. Trong đó, lãi suất cho vay bình quân năm 2023 giảm hơn 2,5%/năm so với cuối năm 2022; đến nay tiếp tục giảm 0,96%/năm so với cuối năm 2023.

Ngược lại, huy động tiền gửi đã có một năm tăng trưởng chậm hơn so với trưởng cho vay khách hàng do mặt bằng lãi suất ở mức thấp, báo cáo SSV cho hay. Do đó, các chuyên gia kỳ vọng lãi suất tiền gửi sẽ tăng tại một số ngân hàng để đáp ứng nhu cầu đi vay trong năm 2025.

Lãi suất tiền gửi của nhóm ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân cũng đã cho thấy xu hướng tăng nhẹ trong quý III và quý IV/2024. Tuy vậy, với chủ trương duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ của NHNN, lãi suất nhiều khả năng sẽ không tăng mạnh như lo ngại, các chuyên gia nhận định.

Mới đây, NHNN cũng vừa có văn bản gửi các tổ chức tín dụng (TCTD), theo đó nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các TCTD cung ứng nguồn vốn tín dụng đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế, NHNN dự kiến tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống năm 2025 khoảng 16%.

Theo đó, mức giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của TCTD căn cứ kết quả chấm điểm xếp hạng năm 2023 theo quy định tại Thông tư 52/2018/TT-NHNN (đã được sửa đổi, bổ sung) nhân với hệ số áp dụng chung cho các ngân hàng.

Cùng với đó, NHNN cho biết sẽ tiếp tục triển khai lộ trình hạn chế và tiến tới xóa bỏ việc điều hành phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng TCTD. Đây là vấn đề đã được nhiều chuyên gia đề xuất trong thời gian trước đó.