Đây là nội dung được UBND TP HCM nêu tại tờ trình gửi Ban Thường vụ Đảng ủy UBND TP HCM xem xét, báo cáo Ban Thường vụ Thành uỷ TP HCM về triển khai dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, theo Sài Gòn Giải Phóng

Theo đó, UBND TP HCM kiến nghị Ban Thường vụ Đảng uỷ UBND TP HCM thống nhất chủ trương tiếp tục triển khai dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ theo đúng quy định. UBND TP HCM cam kết sẽ phối hợp các bộ, ngành liên quan để hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục đầu tư theo quy định.

Bên cạnh đó, UBND TP HCM kiến nghị Thành uỷ TP HCM chỉ đạo định hướng về cơ chế đặc thù để hỗ trợ thu hút và giữ chân nhà đầu tư chiến lược (tập đoàn MSC). Cơ chế đặc thù được đề xuất tập trung vào các nội dung: ưu đãi về hạ tầng kết nối giao thông, logistics, kho bãi; hỗ trợ thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian chuẩn bị đầu tư; ưu đãi thu hút doanh nghiệp phụ trợ logistics.

UBND TP HCM sẽ lãnh đạo, chỉ đạo các sở ngành liên quan rà soát, cập nhật đồng bộ các quy hoạch (không gian biển, sử dụng đất, giao thông, môi trường...) để làm cơ sở pháp lý giao đất, mặt nước và cấp phép đầu tư.

Dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ đã được Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư tại Quyết định 148 ban hành ngày 16/1.Theo quyết định được phê duyệt, dự án sẽ được thực hiện ở cù lao Gò Con Chó, huyện Cần Giờ, TP HCM.

Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ có quy mô 571 ha đất, tổng kinh phí đầu tư theo đề xuất không thấp hơn 50.000 tỷ đồng. Thời gian hoạt động của dự án là 50 năm kể từ ngày có quyết định chủ trương đầu tư.

Dự án đã được cập nhật vào các quy hoạch cấp quốc gia, bao gồm: Quy hoạch tổng thể quốc gia, Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam, Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ và Quy hoạch TP HCM.

Theo báo cáo của Sở Giao thông vận tải TP HCM (nay là Sở Xây dựng TP HCM) vào năm 2024, ước tính với sản lượng hàng hoá qua cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ có thể đạt 16,9 triệu TEU vào năm 2047. Khu cảng dự kiến đóng góp vào ngân sách Nhà nước 34.000 - 40.000 tỷ đồng mỗi năm khi khai thác hết công suất.